Nhiều trường đại học (ĐH) phía Nam đã lần lượt công bố điểm sàn xét tuyển năm 2025 – căn cứ quan trọng để thí sinh nộp hồ sơ. Tuy nhiên, dù mặt bằng điểm sàn năm nay nhìn chung thấp hơn các năm trước, giới chuyên gia khuyến cáo thí sinh cần thận trọng: điểm sàn không đồng nghĩa với điểm trúng tuyển.
Cụ thể, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố thông tin về điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, các trường ĐH phía Nam đã lần lượt công bố điểm sàn xét tuyển. So với những năm trước, điểm sàn năm nay nhìn chung thấp hơn. Trong đó, nhiều trường ĐH có mức điểm sàn chỉ bằng quy định tối thiểu mà Bộ GDĐT cho phép là 15 điểm dành cho 3 môn, gồm cả điểm ưu tiên. Đó là các trường ĐH như Tài chính - Marketing, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM… Theo ghi nhận, mức điểm sàn này hầu hết đều giảm so với kỳ tuyển sinh năm 2024.
Trong khi đó, một số trường ĐH khác có mức điểm sàn nhỉnh hơn nhưng cũng thấp hơn điểm của chính trường đó năm trước. Đơn cử, Trường ĐH Công thương TPHCM công bố mức điểm sàn 16 cho tất cả ngành (giảm 2 - 4 điểm so với năm trước). Nhóm ngành giảm nhiều nhất là Kinh tế, Luật, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ... Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng lấy điểm sàn 16 ở tất cả 37 ngành đào tạo. Đáng chú ý, trước đó 1 năm, ngành Thú y của trường này có mức điểm sàn là 23 (giảm 6 điểm). Tương tự, điểm sàn của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM) cũng giảm mạnh. Trong đó, một số ngành cũng giảm từ 2 -6 điểm so với trước.
Được biết, việc điểm sàn các trường ĐH phía Nam giảm cũng nằm trong dự báo và có điểm tương đồng với các trường ĐH ở khu vực khác. Nguyên nhân chính dẫn tới việc này là năm 2025, lần đầu tiên các thí sinh thi theo chương trình giáo dục mới (năm 2018), chỉ có rất ít thí sinh thi theo chương trình cũ (thí sinh thi lại). Với chương trình giáo dục mới và mô hình đề thi mới, cùng phổ điểm thi thấp hơn đã khiến cho các trường ĐH phải hạ điểm sàn (tức điểm để nhận hồ sơ tuyển sinh). Tuy nhiên, việc hạ điểm sàn không đồng nghĩa với điểm xét tuyển mà quy chế tuyển sinh là lựa chọn từ cao xuống thấp. Vì thế, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi gửi hồ sơ xét tuyển, đặc biệt là thông tin liên quan tới trường có nguyện vọng. Điều quan trọng là thí sinh nên so sánh mức điểm trúng tuyển ở các năm trước khi nộp hồ sơ, thay vì chỉ nhìn vào mức điểm sàn. Bởi thực tế, rất hiếm có trường ĐH nào, ngành nghề nào có mức điểm chuẩn trúng tuyển bằng mức điểm sàn đưa ra.
Theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM), kỳ xét tuyển năm nay có nhiều thay đổi, trong đó, các trường ĐH không được tổ chức xét tuyển sớm và các phương thức xét tuyển cùng một đợt nên buộc phải đưa ra mức điểm sàn thấp hơn. Những năm trước, tình trạng thí sinh trúng tuyển ĐH khá phổ biến khi xét tuyển bằng học bạ, điểm thi đánh giá năng lực. Thí sinh chỉ cần đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, là được trúng tuyển. Ngoài ra, ông Nhân cũng cho biết, chương trình thi năm nay thí sinh có 4 môn thi (thay vì 3 môn như trước) nên các trường ĐH cũng gặp khó vì, không nắm được phổ điểm của thí sinh. Vì vậy, buộc phải hạ mức điểm xét tuyển. Việc hạ điểm sàn chỉ để đảm bảo đa dạng nguồn tuyển sinh, tăng thêm chọn lựa cho phía nhà trường.
Ông Nhân lưu ý thí sinh cần tỉnh táo khi đặt nguyện vọng, bởi điểm sàn giảm không ảnh hưởng nhiều tới điểm chuẩn. Với nhiều ngành, dù điểm sàn giảm nhưng điểm chuẩn vẫn có thể tăng mạnh, đặc biệt ở những ngành top trên, mức chênh lệch giữa điểm sàn với điểm chuẩn có thể tới 6 - 7 điểm, thậm chí nhiều hơn. Tương tự, trên một số diễn đàn tư vấn tuyển sinh, nhiều lãnh đạo, chuyên gia giáo dục cũng lưu ý, cân nhắc khi đặt nguyện vọng. Và thí sinh cần hài hòa giữa năng lực bản thân (điểm thi) cũng như ngành nghề (mức độ hot) và điểm sàn, điểm trúng tuyển năm trước để so sánh, cân nhắc trước khi quyết định.