Khi nhu cầu cho con học trường ngoài công lập dần trở thành xu hướng thì việc có suất cho con vào một số trường tư hiện nay cũng không hề dễ dàng.
Đặt ra nhiều tiêu chí
Con gái chị Hoàng Thùy Dương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) năm nay học lớp 4, tuy nhiên thời điểm này chị đã tìm hiểu các thông tin để chuẩn bị cho con vào lớp 6 Trường THCS Lương Thế Vinh.
Sở dĩ có sự lựa chọn này bởi theo chị Dương, sĩ số trường công hiện nay đang quá tải, khoảng 50 học sinh/lớp. Trong khi sĩ số trường tư chỉ khoảng 25-30 học sinh/lớp. Như vậy, việc dạy và học sẽ hiệu quả hơn. “Dù mức học phí cao hơn hẳn trường công nhưng tôi vẫn lựa chọn cho con theo học trường tư ở bậc THCS”, chị Dương nói.
Tâm lý của chị Dương cũng như nhiều phụ huynh khác, để con được học ở các trường tư thục có tiếng tại Hà Nội, ngay từ khi con học lớp 3, lớp 4, cha mẹ đã bắt đầu cho con vào "đường đua". Nhiều con trong tình trạng học thêm quá tải trong tuần.
Thời điểm này, nhiều trường ngoài công lập đã thông báo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024. Theo ghi nhận của phóng viên, các trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển và đánh giá năng lực với chỉ tiêu tuyển sinh tương đối thấp.
Ví dụ như Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu, theo thông báo tuyển sinh lớp 1, 6, 9, 11 chương trình song ngữ quốc tế Cambridge, và lớp 10 chương trình Anh ngữ học thuật tăng cường năm học 2023-2024, nhà trường sẽ kiểm tra môn Tiếng Anh, đánh giá năng lực tổng hợp bằng hai ngôn ngữ Anh - Việt với học sinh lớp 6.
Với lớp 10, thí sinh cần vượt qua bài đánh giá năng lực môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh (tương đương trình độ Cambridge PET theo khung châu Âu), làm trắc nghiệm tâm lý. Nếu còn chỉ tiêu, trường sẽ xét tuyển theo kết quả thi vào lớp 10 do Hà Nội tổ chức kết hợp với điểm đánh giá năng lực tiếng Anh.
Nhà trường cũng lưu ý, riêng với lớp 11, 12, chỉ tuyển học sinh tỉnh ngoài hoặc từ nước ngoài về và thỏa mãn yêu cầu đầu vào của nhà trường, bắt buộc học lực giỏi, hạnh kiểm tốt nếu có chỉ tiêu.
Với học sinh ngoài hệ thống, thời gian dự tuyển vào Trường Liên cấp Lomonoxop Tây Hà Nội vào ngày 22/4. Năm học này, nhà trường tuyển sinh đầu cấp khối 1,6,10 với 152 chỉ tiêu/khối.
Còn tại Trường Phổ thông liên cấp Olympia, nhà trường tuyển sinh lớp tiền tiểu học, lớp 1, 6 và 10 với sĩ số trung bình 26 học sinh một lớp.
Học sinh vào lớp 1 sẽ được giáo viên phỏng vấn trực tiếp để đánh giá năng lực tư duy, ngôn ngữ, cảm xúc xã hội, kỹ năng tự lập, vận động.
Học sinh dự tuyển vào lớp 6 và lớp 10 làm bài khảo sát ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh và Toán, sau đó trải qua phỏng vấn với giáo viên. Kết quả xét tuyển được thông báo sau 5-7 ngày.
Trường tư kén học sinh
Thực tế cho thấy, nhiều trường tư thục hiện nay rất kén học sinh. Để con có cơ hội trúng tuyển vào các lớp đầu cấp của những trường tư thục tiếng ở Hà Nội, từ việc đăng ký dự tuyển đến khâu thi tuyển đều khiến các bậc phụ huynh, học sinh căng thẳng.
Mới đây, hình ảnh nhiều phụ huynh xếp hàng tại Trường Marie Curie từ 0h sáng để mua hồ sơ vào lớp 1 cho con thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Đáng bàn là, hiện tượng này không chỉ xuất hiện trong mùa tuyển sinh năm nay mà đã tái diễn trong suốt vài năm gần đây.
Không riêng lớp 1, năm nay, để chắc suất vào lớp 10 cho con, nhiều phụ huynh ở Hà Nội chen lấn mua hồ sơ dự tuyển vào trường tư thục từ sớm.
Trước đó, hình ảnh phụ huynh xếp hàng, chen lấn mua hồ sơ vào lớp 10 Trường THCS - THPT Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) được nhiều người đăng tải lên mạng xã hội.
Hiện Sở GDĐT Hà Nội cho phép các trường chất lượng cao hoặc ngoài công lập tuyển sinh bằng kiểm tra, đánh giá năng lực. Các trường này phải báo cáo phương án tuyển sinh với Phòng GDĐT sau đó trình UBND cấp quận phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, việc phụ huynh phải xếp hàng, chen lấn mua hồ sơ vào lớp 10 xảy ra từ nhiều năm trước, một phần do phụ huynh truyền tai nhau về chất lượng đào tạo của một số trường nào đó. Tâm lý này tạo ra hiện tượng một số trường "sốt ảo".
Ông Tuấn khuyến nghị, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về các trường trước khi quyết định mua hồ sơ cho con.