Bộ GD&ĐT vừa tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016 khối ĐH, CĐ. Theo đó, Bộ đưa ra dự kiến tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2016 với một số điều chỉnh, bổ sung: sẽ giao quyền tự chủ cho các trường; các trường có thể quy định hình thức, điều kiện, thời gian ĐKXT của thí sinh (TS)…
Thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015.
Để công tác tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2016 diễn ra thành công, nhiều lãnh đạo các nhà trường đã đưa ra ý kiến đóng góp. Các ý kiến chủ yếu xoay quanh vấn đề xét tuyển, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các nhà trường.
Cần khắc phục tốt khâu xét tuyển
Trong kỳ thi vừa qua, đa số lãnh đạo các nhà trường cho rằng khâu xét tuyển là hạn chế lớn nhất. Ông Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM chia sẻ: Ở khâu xét tuyển, nhiều lãnh đạo nhà trường có ý kiến cho rằng hiện tại mới chỉ xác định ngưỡng chất lượng để TS đậu vào trường mà chưa khuyến khích việc xác định ngành nghề của TS. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực lao động.
Thay mặt các nhà trường đưa ra góp ý, ông Lộc đề nghị nên có sự liên kết giữa các trường ĐH, CĐ đào tạo chung nhóm ngành, có cơ chế để TS đăng ký 1 ngành nhưng vào nhiều trường, nhiều ngành khác nhau. Việc này này giúp TS ở điểm, không trúng được ngành của tốp trên thì sẽ vào được ngành ở tốp dưới, tạo cân bằng nguồn lực ngành nghề. Các trường tốp trên cũng nên cân nhắc điểm xét tuyển, vì trong kỳ thi vừa qua có hiện tượng các trường tốp trên lấy điểm thấp, tạo khối lượng TS đăng ký quá nhiều gây ra bất tiện cho TS.
Cũng lăn tăn ở vấn đề xét tuyển, nhìn từ thực tế tuyển sinh của trường, ông Nguyễn Văn Bao - Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc nêu ý kiến: Tôi nghĩ nguyện vọng của TS sau 12 năm đèn sách, cứ để các em đăng ký nguyện vọng 1 ngay từ trước khi các em thi, nguyện vọng sẽ gửi về trường các em mong muốn thi, điểm cũng chuyển về nơi các em đăng ký. Như vậy các trường biết được số lượng TS đăng ký nguyện vọng 1, các em cũng biết ngay nguyện vọng có đạt không, không được thì chuyển sang nguyện vọng khác. Các trường chủ động các em chủ động, không mất 20 ngày xem hồ sơ, không có chuyện rút chỗ nọ chuyển chỗ kia. Còn đã trượt nguyện vọng 1 thì các em sang nguyện vọng 2.
Cùng chung quan điểm, ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng nhận định: Năm vừa qua chúng ta có vẻ mở rộng quyền HS quá lớn trong quá trình chọn nguyện vọng. Nếu được chúng ta nên chọn nguyện vọng 1 từ khi các em ở trường. Bởi lẽ bố mẹ các em cũng như bản thân các em sau khi học 12 năm đều thấy rằng mình nên đi vào đâu, trình độ của mình như thế nào, nên thi vào trường nào thì tốt và sẽ đạt được hơn. Như vậy ta bớt được 1 công đoạn là có 4 phiếu điểm lại chọn 1… Làm như vậy tôi cho rằng sẽ thuận lợi hơn. Ông Nghị cũng góp ý thêm: Bộ GD&ĐT có thể kết hợp với các ĐH địa phương tổ chức thi tại địa phương. Điều này một phần giúp TS không phải đi xa nữa, một phần sẽ đảm bảo hơn về mặt an toàn giao thông.
Cho các trường tự chủ tuyển sinh
Năm vừa qua, có khá nhiều các trường ĐH tốp dưới hoặc các trường CĐ không tuyển được sinh viên. Từ thực tế này, ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch chia sẻ: Về công tác tuyển sinh, năm vừa qua mặc dù nguyện vọng 1 nhà trường nhận được chỉ tiêu gần 2000 hồ sơ nhưng khi nhập học tỉ lệ ảo cao, chỉ đạt khoảng 70%. Trong năm tới, nhà trường đề nghị Bộ chia khoảng từ điểm sàn của CĐ và ĐH có thể mở rộng hơn, khi đó có thể giúp được các trường CĐ. Hoặc là cho phép các trường CĐ tự chủ tuyển sinh theo hướng tự xây dựng phương án, sau đó có thể tự chủ, và cần có lộ trình để các trường CĐ có sự chuẩn bị.
Để đưa ra giải pháp cho kỳ thi THPT 2016, cũng như giải pháp cho các trường khó tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Vừa qua có 30 trường thu hút TS mạnh nhất và việc rút, nộp hồ sơ cũng chỉ diễn ra sôi động ở các trường này. Rút kinh nghiệm từ những bất cập trong kỳ tuyển sinh vừa rồi, Bộ sẽ điều chỉnh một số quy định để kỳ tuyển sinh năm tới diễn ra suôn sẻ và an toàn hơn. Cụ thể Bộ sẽ tăng thêm quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ đồng thời đưa ra những giải pháp giúp các trường vừa bớt “ảo”, nhưng cũng đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho TS.
Theo định hướng Bộ GD&ĐT sẽ tăng quyền tự chủ cho các trường, thi có kết quả sẽ giao cho các trường tự chủ xét tuyển, Bộ không cấp giấy báo điểm, không làm những thủ tục như kỳ thi THPT vừa qua. Tuy nhiên TS tự do đăng ký và các trường tự do xét tuyển thì số TS “ảo” sẽ rất nhiều. Thứ trưởng Ga cho rằng, sắp tới cần bàn thảo về việc này, nếu thả cho các trường được tự chủ xét tuyển, TS tự do đăng ký thì giải pháp chống ảo như thế nào? Bởi vì 1 TS nộp chục trường, 1 em trúng thì 9 em khác sẽ trượt cho nên những biện pháp ấy sắp tới sẽ bàn bạc xử lý, chẳng hạn chia các đợt xét tuyển, mỗi đợt 1 mức điểm khác nhau hoặc khuyến khích các trường tốp trên phối hợp với nhau tham gia tuyển sinh theo nhóm.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, một số trường nhiều năm liền tuyển sinh khó khăn, nếu tiếp tục tình trạng này sẽ rất lãng phí, cả về cơ sở vật chất và nhân lực. Đối với những trường này phải có biện pháp cơ cấu, sắp xếp lại để làm thế nào sử dụng có hiệu quả nhất. Hướng được Bộ GD&ĐT tính đến là đưa các trường trở thành một phân hiệu của các trường ĐH, CĐ khác hoặc tổ chức để các trường đó liên kết đào tạo với các trường lớn.