Bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GDĐT lưu ý, chất lượng nguồn tuyển đầu vào là để đảm bảo thí sinh có thể theo học ngành nghề đào tạo một cách tốt nhất. Nếu bản thân các trường cố tình tuyển không đúng, hoặc chất lượng quá thấp theo yêu cầu của ngành nghề đào tạo thì sản phẩm đầu ra cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, hoặc thậm chí các em sinh viên không thể tốt nghiệp.
Băn khoăn độ phân hóa của đề thi
Ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, đề thi năm 2020 nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12, bám sát theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với định hướng tinh giản nội dung dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19, không đánh đố thí sinh.
Độ khó của kỳ thi sẽ phù hợp với mục đích của kỳ thi và điều kiện dạy học, mức độ phân hóa của đề thi đã được điều chỉnh. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những câu hỏi mang tính phân hóa để lựa chọn được những thí sinh thực sự xuất sắc. Hiện thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề thi tham khảo và lưu ý không nên học “tủ”, vì rất có thể các em sẽ bị mất điểm từ chính việc học “tủ”.
Đơn cử, một tác phẩm có thể được hỏi trong đề thi năm trước vẫn có thể khai thác để ra trong đề thi năm sau với các cách hỏi và các yêu cầu khác hoặc dùng ngữ liệu khác của tác phẩm đó. Do vậy, các thí sinh nên đọc kỹ đề để hiểu và phân tích đề. “Cách ôn tập tốt nhất là sắp xếp kiến thức theo chủ đề, kết hợp với đề thi tham khảo để biết mức độ của đề thi sẽ ra”, ông Sái Công Hồng lưu ý.
Tuy nhiên, căn cứ vào đề thi tham khảo Bộ đã công bố, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về mức độ phân hóa của đề thi liệu có đảm bảo công tác xét tuyển ĐH, CĐ của các trường dựa vào kết quả kỳ thi?
Các chuyên gia phân tích, một đề thi mà nhiều thí sinh không làm được hoặc tất cả đều làm được dễ dàng, đều không phải là một đề thi tốt. Một đề thi tốt là xây dựng được bảng ma trận cấu trúc đề thi đánh giá được kiến thức kỹ năng cơ bản nhất mà cấp học yêu cầu.
Đề thi cũng phải đảm bảo độ phân hóa, các ý phải có độ khó tăng dần lên, phân loại được học sinh trung bình với khá, khá với giỏi và giỏi với xuất sắc, chứ không phải đánh đồng tất cả học sinh. Đề thi không phân loại được sẽ rất khó khăn cho các trường ĐH sử dụng phương thức xét tuyển đầu vào bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đề dễ, phổ điểm càng cao thì càng khó phân hóa học sinh giỏi với học sinh khá, trung bình, thiệt thòi cho nhóm học sinh giỏi.
Mặc dù các trường ĐH, CĐ sử dụng các phương thức xét tuyển khác nhau song thống kê cho thấy, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được nhiều trường xác định là phương thức xét tuyển chính với 70% chỉ tiêu. Lo ngại về chất lượng nguồn tuyển do mục tiêu xét tốt nghiệp THPT được đặt lên hàng đầu ở kỳ thi này đặt ra với không chỉ các trường mà với cả Bộ GDĐT.
Sẽ có đào thải
Bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, không nên quá lo lắng với chất lượng nguồn tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp năm nay. Bên cạnh việc đề thi vẫn có sự phân hóa, đánh giá được học sinh đạt chuẩn, trên chuẩn (chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục THPT) thì một lý do quan trọng nữa là hiện nay, điểm đầu vào chỉ là một trong những tiêu chí quan trọng quyết định chất lượng đầu ra, nhưng đó không phải là tất cả.
Thực tế, hiện nay học sinh đã tốt nghiệp THPT là có thể có cơ hội vào học ĐH hoặc CĐ, hoặc học nghề… Nhưng trong quá trình học, nếu không đáp ứng được thì các em cũng sẽ bị đào thải, không thể tốt nghiệp. Cùng với công tác kiểm định cũng như các công cụ quản lý nhà nước, uy tín, thương hiệu của mỗi trường đã và đang gây dựng sẽ vừa là động lực, vừa là thách thức khiến các trường phải luôn nỗ lực để đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra, phục vụ cho nhu cầu của thị trường lao động.
Theo Luật Giáo dục ĐH, hiện nay, Bộ GDĐT chỉ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với 2 nhóm ngành: Đào tạo giáo viên và nhóm ngành về sức khỏe. Còn các nhóm ngành khác, các trường được tự chủ tuyển sinh. Đối với các trường xác định điểm đầu vào quá thấp, gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, đại diện Bộ GDĐT cho rằng tự chủ không có nghĩa là “muốn làm thế nào thì làm”.
Tự chủ tuyển sinh gắn liền với trách nhiệm giải trình và công khai minh bạch thông tin. Cùng với đó là công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý, các cơ quan chức năng và chịu giám sát của toàn xã hội. Những trường cố tình tuyển cho đủ chỉ tiêu mà không quan tâm đến chất lượng thí sinh có phù hợp với yêu cầu của ngành nghề đào tạo hay không thì đầu ra sẽ bị ảnh hưởng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của các trường và về lâu về dài, sẽ không còn uy tín để tuyển sinh nữa.
“Chúng ta nên nhớ xã hội luôn giám sát, đánh giá hệ thống giáo dục ĐH và bản thân thị trường lao động cũng luôn rất minh bạch, công bằng trong việc đánh giá sản phẩm đầu ra của các trường” – bà Thủy khẳng định.
ĐH Quốc gia Hà Nội tham gia kiểm tra thi tốt nghiệp THPT ở Hà Nội
Theo phân công của Bộ GDĐT, có 7.010 người, bao gồm cả lực lượng dự phòng đến từ 130 cơ sở giáo dục ĐH tham gia thanh/kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương. Bộ GDĐT yêu cầu hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn của cán bộ, giảng viên trước khi lựa chọn, lập danh sách.
Tại Hà Nội, có 4 cơ sở giáo dục ĐH được Bộ GDĐT phân công tham gia các đoàn kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tất cả đều thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Đó là: ĐH Quốc gia Hà Nội và 3 trường thành viên: Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Ngoại ngữ. Tổng số cán bộ, giảng viên tham gia là 510 người.
M.Q.