Mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2023 ghi nhận một trường ĐH khối ngành sức khỏe tổ chức kỳ thi riêng và một số cơ sở đào tạo sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các ĐH khác tổ chức để xét tuyển.
Dè dặt thi riêng
Là một trong những ngành đặc thù có quy định về điểm sàn để tuyển sinh, các trường khối ngành sức khỏe hầu hết chưa tổ chức kỳ thi riêng. Hiện mới chỉ có Trường ĐH Cửu Long thông báo tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển hệ chính quy áp dụng cho khối ngành y dược, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học. Thí sinh sẽ tham gia 3 bài thi Toán, Hóa học, Sinh học, điểm thi tính theo thang điểm 30. Trường tổ chức 2 đợt thi vào tháng 5 và tháng 10.
Một số cơ sở đào tạo khác sử dụng kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các ĐH khác tổ chức. Như Trường ĐH Dược Hà Nội dự kiến tuyển 960 sinh viên theo 4 phương thức, trong đó có sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội. Trường ĐH Y tế công cộng dự kiến tuyển 805 chỉ tiêu cho 7 ngành đào tạo với 3 phương thức tuyển sinh truyền thống. Riêng ngành Khoa học dữ liệu áp dụng kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Khoa Y của ĐH Quốc gia TPHCM năm 2023 tuyển sinh theo 9 phương thức, trong đó dự kiến dành 35-40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi Đánh giá năng lực năm 2023 do 2 ĐH Quốc gia tổ chức.
Việc các trường khối ngành sức khỏe dè dặt với việc sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy các trường ĐH khác đã và đang tổ chức được lý giải bởi các kỳ thi này tập trung vào các khối ngành, nhóm ngành nhất định nên chưa hoàn toàn thỏa mãn các yêu cầu làm cơ sở xét tuyển đầu vào của hầu hết các ngành đào tạo của các trường ĐH khối ngành y dược. Chính vì vậy, dù 2 ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM đều tổ chức kỳ thi riêng song các đơn vị thành viên của 2 trường thuộc khối ngành sức khỏe đều không sử dụng kết quả này để tuyển sinh.
Chuẩn bị thay đổi từ năm 2025
Thời điểm này, các thí sinh có định hướng nghề nghiệp liên quan tới khối ngành sức khỏe vẫn cần tập trung kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thu Thủy, kết quả này cũng là cơ hội rất lớn để các em ứng tuyển vào các trường ĐH. Tuy nhiên, từ năm 2025 khi những học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp, kỳ thi này chắc chắn sẽ có những thay đổi. Và các trường khối ngành sức khỏe cũng dự kiến sẽ cùng ngồi lại bàn bạc cụ thể để có phương án tuyển sinh phù hợp.
GS.TS Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trường cũng có xem xét, đề xuất một số phương án nhưng sẽ cần phân tích kỹ lưỡng để đánh giá kết quả của thí sinh theo các tiêu chí: Độ tin cậy, sử dụng kết quả học tập của môn nào để liên quan chặt chẽ với kiến thức cơ bản, y học cơ sở để học các môn chuyên ngành trong lĩnh vực đào tạo sức khỏe. Năm học tới, trường cũng có kế hoạch xây dựng bài thi chuyên biệt hoặc bài thi đánh giá năng lực trong năm tới và chú trọng vào phần Hóa - Sinh nhằm phục vụ cho công tác tuyển sinh khối ngành sức khỏe.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, nhà trường chưa có kế hoạch tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, từ năm 2025, trường sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo ngành y dược để xây dựng phương án tổ chức kỳ thi riêng phù hợp. “Không thể mỗi trường đều tổ chức kỳ thi riêng lẻ vì tốn kém, hiệu quả không cao. Để tổ chức kỳ thi riêng cần ngân hàng câu hỏi đủ lớn, quy mô rộng và đầu tư kinh phí tốn kém” - ông Tú cho hay.
Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y tế công cộng cho biết, nhà trường sẵn sàng tham gia đóng góp cùng các trường khác trong khối ngành sức khỏe để tìm kiếm một phương án tuyển sinh phù hợp trong những năm tới. Trong đó, có thể ủy thác cho một trung tâm khảo thí của ĐH lớn nào đó và thực hiện theo đơn đặt hàng của các trường để tổ chức kỳ thi riêng. Hoặc các trường tự xây dựng ngân hàng câu hỏi, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi chung này.
Tuy nhiên, theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, hiện nay các trường Y Dược có 2 năm để chuẩn bị phương thức tuyển sinh phù hợp. Trong đó, lưu ý với các quy định tuyển sinh riêng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể với các yêu cầu cụ thể như có bộ phận độc lập thực hiện chức năng đánh giá nội dung thi, trong đó lãnh đạo đơn vị phải có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực khảo thí hoặc quản lý đào tạo; có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chấm thi, cán bộ ra đề thi, cán bộ phân tích dữ liệu thi, cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên, đáp ứng các yêu cầu về số lượng, trình độ để tổ chức thi.
Đặc biệt, có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong một lần thi, phải thực hiện quy trình đảm bảo đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi phải được bảo mật trước, trong và sau khi thi; phải công bố đề thi mẫu/đề thi tham khảo…
“Thay đổi phương thức tuyển sinh là tất yếu để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng các trường cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bàn bạc thống nhất để tránh gây thêm áp lực cho thí sinh khi có nhiều kỳ thi riêng tổ chức” - TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.