Kỳ thi vào lớp 10 THPT ở Hà Nội năm nào cũng căng thẳng vì chỉ tiêu ít, thí sinh đông, nhiều phụ huynh đã tìm hiểu và đăng ký một suất ở trường tư thục bằng cách nộp trước khoản phí giữ chỗ.
Đây là suy nghĩ chung của nhiều phụ huynh khi quyết định xuống tiền đặt cọc một suất học cho con ở trường tư thục. Với áp lực của kỳ thi chuyển cấp quan trọng, nhiều phụ huynh lo lắng nếu con trượt suất học trường công thì sẽ không biết học ở đâu.
Chị Nguyễn Thanh Minh (Khu đô thị Hồng Hà Eco, Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, trước đây gia đình ở quận Hoàn Kiếm nên từ nhỏ con chị đã học trường khu vực này. Tuy nhiên, đây là khu vực có tỉ lệ cạnh tranh vào lớp 10 thuộc hàng cao nhất của thành phố nên dù sức học của con khá tốt nhưng chị vẫn lo lắng. “Động viên con đăng ký nguyện vọng sau về gần nhà nhưng con không thích trong khi những trường trên phố điểm chuẩn luôn ở mức cao chót vót. Tôi đã mua 1 bộ hồ sơ và nộp lệ phí xét tuyển ở một trường THPT ngoài công lập khá nổi tiếng ngay gần trường cấp 2 con đang học. Nếu trúng tuyển, sang tuần tôi sẽ nộp 15 triệu đặt cọc giữ chỗ để con đỡ căng thẳng” - chị Minh nói.
Thời điểm này, Sở GDĐT Hà Nội vẫn chưa chốt phương án thi 3 hay 4 bài thi khiến các thí sinh vừa học vừa ôn tập trong tâm trạng mong ngóng, căng thẳng không biết có môn thi thứ tư hay không, nếu có thì là môn nào để còn kịp chuẩn bị, có định hướng ôn tập. Chính vì vậy, khi các trường tư thục thông báo tuyển sinh, phát hành hồ sơ, phụ huynh dù chưa biết có học hay không nhưng vẫn đổ xô đi mua hồ sơ và nộp phí xét tuyển, phí đặt cọc.
Hiện tại, hàng loạt trường THPT tư thục ở Hà Nội đã thông báo phương án tuyển sinh năm học 2024 - 2025 và công khai mức phí nhập học để phụ huynh cân nhắc. Nhìn chung, các trường đều cho biết khoản phí nhập học sẽ không được hoàn trả trong mọi trường hợp nhưng sẽ được đối trừ với các khoản thu trong năm học nếu học sinh theo học tại trường.
Cụ thể, Trường Hà Nội Academy có mức phí giữ chỗ là 20 triệu đồng, Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh đưa ra phí nhập học là 15 triệu đồng, Trường THCS và THPT Newton thông báo phí đặt chỗ là 12 triệu đồng, Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp có mức phí nhập học là 5.910.000 đồng. Một số trường khác như Trường THPT Đoàn Thị Điểm, Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu có phí đặt cọc, ghi danh là 2 triệu đồng.
Là một trong số ít những trường cho biết sẽ hoàn trả phí ghi danh khi học sinh trúng tuyển trường công lập, Trường THPT Phan Bội Châu đưa ra mức phí ghi danh là 1,2 triệu đồng. Trường hợp phụ huynh, học sinh rút hồ sơ nhưng học sinh không đỗ trường công, nhà trường sẽ không hoàn trả các khoản phí.
Dù không có trong quy định nhưng hiện nay các trường tư thục có tiếng đều thu phí đặt cọc vì để hạn chế lượng hồ sơ ảo. Điều này khiến các phụ huynh, học sinh khi nộp hồ sơ phải thực sự cân nhắc để tránh lãng phí và không làm mất cơ hội của thí sinh khác.
Trước đó, từ cuối tháng 1, Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục trực thuộc yêu cầu xác định chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025. Riêng đối với các trường THPT tư thục, Sở yêu cầu các trường chủ động xây dựng phương án tuyển sinh lớp 10 theo hình thức trực tuyến, bảo đảm rà soát, hoàn thiện các điều kiện tổ chức tuyển sinh trực tuyến từ sớm để triển khai hiệu quả, thuận lợi cho học sinh và các gia đình.
Sở GDĐT Hà Nội sẽ thành lập các đoàn trực tiếp đi kiểm tra điều kiện tuyển sinh của tất cả các trường. Nếu trường nào không bảo đảm các điều kiện để tuyển sinh, không có phương án tuyển sinh trực tuyến, Sở sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025.
Dự kiến năm học 2024 - 2025, Hà Nội có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp THCS và thi tuyển vào lớp 10, tăng 5.732 em so với năm ngoái. Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập dự kiến sẽ không thay đổi với khoảng 60 - 62%.