Tại hội thảo về đổi mới phương pháp đào tạo nghề nghiệp vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ LĐBT&XH; Lê Quân cho biết, tới đây sẽ phát triển thị trường đào tạo trực tuyến, cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ĐH có đủ năng lực có thể cung cấp các chương trình, môn học, module trực tuyến cho người học.
Nhiều đơn vị có giải pháp đào tạo trực tuyến cho đơn vị của mình và cung cấp cho cả thị trường giáo dục nghề nghiệp.
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, năm 2017 công tác tuyển sinh của hệ thống giáo dục đào tạo nghề đã có những bước chuyển biến tích cực, đạt 100% chỉ tiêu theo kế hoạch, nhất là tuyển sinh trung cấp đầu vào là THCS. Tuy nhiên, công tác giáo dục nghề nghiệp cũng còn một số bất cập như: Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn cồng kềnh, chồng chéo, trùng lắp ngành nghề đào tạo, hiệu quả hoạt động thấp, chưa hình thành được các trường chất lượng cao đạt trình độ quốc tế...; Công tác hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT chưa được quan tâm đúng mức.
Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về quyền lợi của mình trong việc tham gia đào tạo nghề, chưa phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo, đánh giá và tuyển dụng lao động. Có những doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động phổ thông... Điều này làm ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đào tạo.
Đại diện Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) nhận định, chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp; năng lực đào tạo còn hạn chế; chưa được chú trọng và chưa hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp.Công tác dự báo thị trường về cung - cầu trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa sát, chưa kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Lê Quân cho biết, hiện Bộ LĐTB&XH đang triển khai 2 dự án lớn. Bao gồm: Một là, xây dựng cơ sở quản lý dữ liệu tích hợp hệ thống trong toàn quốc kết nối tất cả các trường nghề để toàn bộ thủ tục hành chính, công tác kiểm định chất lượng, quản lý văn bằng chứng chỉ… đều được thực hiện trực tuyến. Hai là phát triển thị trường đào tạo trực tuyến. Theo đó, cho phép phát triển thị trường đào tạo trực tuyến, cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục ĐH có đủ năng lực có thể cung cấp các chương trình, môn học, module trực tuyến cho học sinh tại các trường hoặc người dân từ công nhân tới thanh niên có nhu cầu học tích lũy module trực tuyến...
Việc này sẽ hình thành thị trường đào tạo trực tuyến trong đó nhiều đơn vị có giải pháp đào tạo trực tuyến cho đơn vị của mình và cung cấp cho cả thị trường giáo dục nghề nghiệp.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH), Nguyễn Hồng Minh chia sẻ: Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang thực hiện nhiều đổi mới về phương pháp dạy học, nhất là ứng dụng kỹ thuật số, CNTT vào trong dạy học. Theo Đề án này, để phục vụ cho việc đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều hoạt động ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng số như xây dựng 6 môn học chung cho các bậc cao đẳng và trung cấp. Chủ trương của Bộ sẽ đưa 6 môn học này vào đào tạo trực tuyến, cho phép người học trong toàn quốc được học và thi các môn học này qua online. Việc làm này nhằm giảm thiểu chi phí đào tạo, tạo sự linh hoạt cho người học, và tạo sự thân thiện của người học với công nghệ thông tin.
Theo Bộ LĐTB&XH, đổi mới phương thức đào tạo không nằm ngoài mục đích đáp ứng nhu cầu tuyển sinh, nguyện vọng của người học. Từ nay đến năm 2020, các trường nghề phải theo cơ chế tự chủ, thay vì tuyển sinh bao nhiêu, đào tạo bấy nhiêu, các trường cần xem thị trường cần gì, từ đó thiết kế lại chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, kết hợp với doanh nghiệp để tuyển sinh, khi đó mới đảm bảo có người học và sinh viên, học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bộ sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá nhu cầu việc làm của người lao động, đặc biệt với học sinh, sinh viên; dự báo cung - cầu thị trường để định hướng cho giáo dục nghề nghiệp, định hướng về việc làm.