Năm học 2020-2021, cuộc đua vào các trường công lập hay trường tư thục có tiếng tại Hà Nội tiếp tục được dự đoán là căng thẳng khi có những trường, chỉ sau 1 ngày phát hành hồ sơ đã “cháy”. Tuy nhiên, ngay cả khi đã đỗ vào những trường này, HS vẫn không được chủ quan bởi việc sàng lọc HS diễn ra liên tục trong suốt những năm học sau đó.
Cân nhắc tỷ lệ chọi cao
Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 nên kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của các cơ sở giáo dục cũng bị ảnh hưởng, cụ thể là việc công bố phương án tuyển sinh vào trường muộn hơn mọi năm. Thầy Nguyễn Xuân Khang- Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội chia sẻ: Mọi năm, khoảng đầu tháng 3 trường sẽ phát hành hướng dẫn và hồ sơ tuyển sinh lớp 1, lớp 6. Cha mẹ sẽ có thời gian nghiên cứu, đến trường đăng ký hồ sơ. Nhưng năm nay, nhà trường thông báo muộn hơn và tới ngày 6/5 mới chính thức phát hành hồ sơ. Tuy nhiên, 360 hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1 ở cơ sở Mỹ Đình phụ huynh đã đăng ký gần hết ngay trong ngày đầu tiên. Số lượng hồ sơ vào lớp 6 hiện đã hơn 600. Dự kiến, số đăng ký cũng sẽ bằng năm ngoái, khoảng hơn 800 hồ sơ. Như vậy, tỉ lệ “chọi” là khoảng 8-9 em thi thì chỉ lấy 1.
Trường THCS và THPT Đoàn Thị Điểm cũng thông tin, tỉ lệ chọi vào trường năm nay khoảng 2 em lấy 1. Trong đó, HS Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm vẫn phải vượt qua vòng xét học bạ và bài kiểm tra năng lực như các thí sinh trường ngoài, với ưu tiên là được cộng thêm 2 điểm. Vì vậy, số HS của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm trúng tuyển vào lớp 6 Trường THCS và THPT Đoàn Thị Điểm thường chiếm khoảng 50-55%, năm cao nhất là 60% chỉ tiêu. Cơ hội cho các HS không học hệ tiểu học của trường vẫn cao.
Thầy Phạm Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, chỉ tiêu vào lớp 6 của cả 2 cơ sở là 600, số hồ sơ đăng ký dự tuyển đến thời điểm này vào khoảng 2.000. Từ nay đến khi hết hạn còn khoảng nửa tháng.
Nhiều trường “hot” khác có tỉ lệ chọi cao của Hà Nội cũng gần như hoàn tất việc nhận hồ sơ vào trường. Thời điểm này, HS và các nhà trường đang dồn toàn lực để tập trung cho việc ôn thi cuối kỳ và sau đó, những HS có nguyện vọng đăng ký vào các trường tổ chức thi tuyển, không phải xét tuyển thì tiếp tục ôn luyện. Thầy Phạm Trung Dũng nhận định phụ huynh không nên quá lo ngại bởi hiện nay HS có nhiều cơ hội để được vào học tại các môi trường khác nhau. “Các con không lo thiếu chỗ học. Cùng với đó, tất cả các trường hiện nay đều chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nỗ lực nâng cao chất lượng, thu hút HS mang lại những điều kiện tốt nhất để học sinh được học tập và rèn luyện trong một môi trường giáo dục toàn diện”- Thầy Phạm Trung Dũng chia sẻ.
Lưu ý cơ hội thứ 2 vào trường “hot”
Mặc dù có nhiều sự lựa chọn nhưng chị Phạm Mai Hương (Làng Quốc tế Thăng Long) cho rằng sau khi tìm hiểu các trường xung quanh nhà, chị và gia đình vẫn thống nhất ưu tiên nộp hồ sơ vào trường THCS Nam Tư Liêm. Lý do là vì, mô hình trường chất lượng cao mà Trường THCS Nam Từ Liêm đang triển khai có sĩ số học sinh trên lớp tại trường không quá 30 HS. Trong điều kiện thiếu trường, thiếu lớp ở các quận nội thành như hiện nay thì sĩ số trung bình 1 lớp thường lên tới 40-50 HS, khó đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho việc dạy và học nên không khó hiểu khi mặc dù có học phí dự kiến năm học 2020-2021 là 3,3 triệu/tháng/HS song đây vẫn là sự lựa chọn hợp lý với gia đình chị.
Đây cũng là lý do mà vì sao nhiều trường “hot” với tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng so với nhiều trường khác trên cùng địa bàn nhưng vẫn được đông HS dự tuyển.
Theo cô giáo Hoàng Thị Yến- Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), theo Quyết định của HĐND TP Hà Nội, trần mức thu học phí cho trường THCS chất lượng cao năm học 2020-2021 là 5,3 triệu/tháng/HS thì mức thu của trường cũng chưa phải là “kịch trần”. Nếu không vượt qua kỳ kiểm tra đầu vào, HS vẫn còn cơ hội để vào học tại trường. Đó là các kỳ tuyển bổ sung lớp của trường với các điều kiện cụ thể. Như ở Trường THCS Nam Từ Liêm, hằng năm nếu nhà trường còn chỉ tiêu đều tuyển bổ sung với các điều kiện: HS có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại Hà Nội, HS phải bảo đảm kết quả học bạ của năm học trước khi chuyển vào trường theo yêu cầu riêng của trường (thường là yêu cầu đạt học sinh giỏi); HS phải qua một kỳ kiểm tra, rà soát, đánh giá năng lực bằng bài kiểm tra đánh giá 3 môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Điểm xét tuyển cũng lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Thời điểm tuyển sinh sẽ vào cuối kỳ I (khoảng cuối tháng 12, đầu tháng 1) và đầu năm học (tháng 8).
Tương tự, thầy Phạm Trung Dũng- Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, trong trường hợp HS không thi đỗ trong đợt tuyển sinh đầu năm học thì vẫn còn có cơ hội để trở thành HS của trường. Sau khi học hết 1 kỳ hoặc 1 năm học, HS có thể đăng ký xin chuyển trường với điều kiện đạt học lực Giỏi, hạnh kiểm Tốt và đạt tiêu chuẩn sát hạch 3 môn: Toán, Văn, Tiếng Anh của trường…
Lam Nhi