Trong thông báo cuối tuần qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) đã yêu cầu các tỉnh, thành dừng tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên thí sinh có giải học sinh (HS) giỏi, chứng chỉ IELTS và tương đương vào lớp 10 công lập.
Bộ GDĐT cho rằng, một số địa phương đã đưa nội dung "không đúng quy định" vào kế hoạch tuyển sinh lớp 10 công lập. Cụ thể là tuyển thẳng, cộng điểm cho thí sinh đạt giải HS giỏi cấp tỉnh, có chứng chỉ ngoại ngữ. Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành thực hiện đúng quy chế tuyển sinh THCS, THPT được ban hành năm 2019.
Cụ thể, với các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên thì phải điều chỉnh và thông báo công khai. Đồng thời Bộ GDĐT cho biết sẽ kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh lớp 10 tại một số địa phương.
Trước đó, ghi nhận tại các địa phương cho thấy, năm 2024 nhiều nơi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ tuyển thẳng, miễn thi môn tiếng Anh hoặc cộng điểm cho các thí sinh có chứng chỉ IELTS. Bao gồm các tỉnh Quảng Trị, Tuyên Quang, Lào Cai, Bình Dương…
Đáng chú ý, kể từ năm 2021, Nghệ An là địa phương tiên phong áp dụng chính sách tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS vào lớp 10. Năm 2023, Nghệ An tiếp tục tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu và các trường THPT hàng đầu. Theo đó, thí sinh đủ điều kiện đầu vào Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu phải đạt tối thiểu 7.0 IELTS. Các trường THPT khác trong tỉnh Nghệ An áp dụng tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS dao động 6.0 - 6.5.
Còn tỉnh Phú Thọ, từ năm 2023 đã áp dụng tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 6.5 IELTS trở lên vào các trường công lập. Tại Hà Nội, từ một vài mùa tuyển sinh gần đây một số trường THPT ngoài công lập cũng áp dụng tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5 như Trường THCS và THPT Đoàn Thị Điểm. Năm nay một số trường cũng tuyển sinh có chứng chỉ tiếng Anh như THPT Archimedes Academy, Trường THPT Newton, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh…
Theo quy chế tuyển sinh THCS, THPT hiện hành (Thông tư 03 ngày 3/5/2019 của Bộ GDĐT), thí sinh được tuyển thẳng lớp 10 công lập nếu thuộc 1 trong 4 nhóm: Học trường phổ thông dân tộc nội trú; là người dân tộc rất ít người; là người khuyết tật; đạt giải quốc gia, quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật. Nếu là con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, anh hùng lao động, lực lượng vũ trang, đang sống và học tập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thí sinh được cộng điểm khuyến khích, mức điểm do địa phương quy định.
Đáng chú ý hơn, Thông tư 03 không có quy định nào cho phép tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vào lớp 10 công lập không chuyên. Tuy nhiên, gần 5 năm qua, nhiều địa phương đã cộng 1 - 2 điểm ưu tiên, tuyển thẳng thí sinh có 4.0 IELTS trở lên hoặc đạt giải HS giỏi cấp tỉnh.
Theo lý giải của một số địa phương, việc này nhằm tạo động lực, phong trào học ngoại ngữ, cũng như giảm áp lực thi cử với những HS đã có học lực tốt. Đại diện Sở GDĐT Quảng Trị cho biết, có hai lý do để tỉnh áp dụng chính sách này. Một là tạo động lực cho HS, giúp các em học tốt ngoại ngữ hơn. Hai là giảm áp lực thi cử "không cần thiết" với những thí sinh đã có chứng chỉ.
Trước sự “tuýt còi” của Bộ GDĐT, đại diện Sở GDĐT Nghệ An chia sẻ, Sở sẽ rà soát lại xem đề án ngoại ngữ của tỉnh có chịu tác động từ quyết định của Bộ hay không, song sẽ rất tiếc nếu không được sử dụng chứng chỉ để xét tuyển nữa.
Ông Đặng Minh Tuấn - giảng viên Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng IELTS chỉ nên là công cụ dùng để đánh giá việc sử dụng các kỹ năng ngoại ngữ, bao gồm các kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết trong thời gian ngắn hạn. Vì thế, IELTS không liên quan đến việc đánh giá khả năng chuyên môn hay năng lực của người học. Theo ông Tuấn, việc ưu tiên cộng điểm, tuyển thẳng có thể dẫn tới sự méo mó, lệch lạc. Không ít phụ huynh đã đầu tư tiền bạc, thời gian cho loại chứng chỉ này mà bỏ qua việc trau dồi, phát triển các nền tảng khác.