So với cùng thời điểm năm 2024, tỷ giá các đồng ngoại tệ chủ chốt tăng cao so với đồng Việt Nam (VND). Trong khi một số doanh nghiệp nhập khẩu phải đối mặt với thách thức về chi phí thì doanh nghiệp xuất khẩu và cung ứng nội địa lại có thể tìm thấy cơ hội.
Sáng 19/5, tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước, USD/VND là 24.960 đồng/USD, so với mức 23.400 đồng/USD cùng thời điểm năm 2024, tăng khoảng 1.560 đồng/USD, tương đương hơn 6,6%. Tương tự, các đồng tiền khác như CNY, EUR và JPY cũng ghi nhận mức tăng từ vài chục đến hàng trăm đồng so với cùng thời điểm năm 2024.
Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, Giám đốc một công ty điện tử chuyên nhập khẩu linh kiện từ Mỹ chia sẻ: “Giá chip và bo mạch chủ nhập khẩu từ Mỹ đã tăng tới 8% chỉ trong chưa đầy nửa năm. Trong khi đó, giá bán ra không thể điều chỉnh vì khách hàng có quá nhiều lựa chọn khác. Nếu tỷ giá tiếp tục leo thang, chúng tôi sẽ buộc phải cắt giảm quy mô sản xuất hoặc chuyển hướng tìm kiếm nguồn cung nội địa.”
Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra trong ngành dệt may, một lĩnh vực có mức độ phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Bà Lê Thị Hoa, chủ một doanh nghiệp dệt may xuất khẩu cho biết: “Ngành chúng tôi cạnh tranh từng phần trăm lợi nhuận. Tỷ giá tăng 1-3% là đã ảnh hưởng lớn rồi. Có những hợp đồng buộc chúng tôi phải đàm phán lại, nếu không thành, chỉ còn cách giảm sản lượng hoặc chờ nhận đơn giá thấp để bù đắp.”
TS. Vũ Tuấn Anh, Giảng viên Kinh tế Liên kết quốc tế Đại học Latrob nhìn nhận: “Đối với một số doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị từ nước ngoài, đây là một cú “đánh đòn kép”. Khi tỷ giá tăng, chi phí nhập khẩu tăng theo, khiến giá thành sản xuất đội lên. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên thị trường buộc doanh nghiệp phải giữ nguyên giá bán, làm giảm đáng kể biên độ lợi nhuận”.
Tuy nhiên, ông Vũ Tuấn Anh cũng cho rằng, trái ngược với nhóm doanh nghiệp nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lại đang “hưởng lợi kép” từ việc tăng tỷ giá. “Thứ nhất, khi tỷ giá tăng, hàng hóa Việt Nam tính theo đồng ngoại tệ trở nên rẻ hơn, giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thứ hai, doanh thu ngoại tệ quy đổi về VND cao hơn, giúp gia tăng lợi nhuận trên sổ sách kế toán”.
Bà Lê Thị Mận, đại diện một công ty xuất khẩu nông sản tại Tây Nam Bộ cho biết, giá trị đơn hàng xuất khẩu đã tăng khoảng 7–8% so với cùng kỳ nhờ tỷ giá thuận lợi. “Các mặt hàng như gạo, cà phê, rau quả xuất khẩu của chúng tôi đều được hưởng lợi từ việc tỷ giá tăng. Doanh thu năm nay ước tính sẽ vượt kế hoạch đề ra nếu xu hướng này tiếp tục”, bà nói.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng mừng vì tỉ giá tăng. Ông Ngô Anh Quân, đại diện một công ty xuất khẩu da giày tại Bắc Ninh chỉ ra: “Ngành da giày có lợi thế xuất khẩu, nhưng nguyên phụ liệu chủ yếu lại nhập từ Trung Quốc. Khi tỷ giá tăng, chi phí đầu vào cũng tăng, nên lợi nhuận thực tế không nhiều. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu dự phòng tài chính, điều này có thể gây ra khủng hoảng dòng tiền.”
Theo số liệu từ Cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 140 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng không nên coi đây là thời điểm ngồi “ăn may” nhờ tỷ giá, mà cần được xem là cơ hội để đẩy mạnh nội địa hóa sản xuất.
Chuyên gia kinh tế Vũ Tuấn Anh nhận định: “Chỉ những doanh nghiệp có chuỗi cung ứng nội địa mạnh mới có thể duy trì biên lợi nhuận ổn định và tận dụng tốt ưu thế từ tỷ giá. Ngược lại, nếu tiếp tục phụ thuộc vào nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, thì việc tỷ giá tăng chỉ là một lợi ích ảo, vì phần lớn giá trị vẫn chảy ra nước ngoài.”
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Phương, Viện Kinh tế chiến lược lSE cho rằng đây là thời điểm "vàng" để các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nhẹ và sản xuất vật liệu nội địa vươn lên. Nếu các doanh nghiệp trong nước có thể cung ứng được nguyên liệu, linh kiện, bao bì, hóa chất, phụ liệu dệt may, vật liệu xây dựng… đạt chuẩn kỹ thuật và quy mô đủ lớn, thì sẽ thay thế được hàng nhập khẩu và giữ lại giá trị gia tăng trong nước.
Ông Phuơng phân tích: “Tỷ giá tăng khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ, buộc các doanh nghiệp trong nước phải nhìn lại chiến lược sản xuất và tìm kiếm nguồn cung nội địa. Đây chính là bước đệm để doanh nghiệp gia tăng khả năng tự chủ sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị nội địa và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp - chính quyền TP.HCM diễn ra gần đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2 cho biết: Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn bám sát nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, tỷ giá không thể giữ cố định một cách máy móc mà phải có sự điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế. Ông cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên chủ động sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro như hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn ngoại tệ và các sản phẩm phái sinh tài chính để giảm thiểu thiệt hại từ biến động tỷ giá.
“Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua tư duy ứng phó bị động trước biến động thị trường và bắt đầu xây dựng chiến lược dài hạn. Tỷ giá tăng là khó khăn, nhưng nếu nhìn xa, đây là cơ hội để tái cấu trúc chuỗi cung ứng, thúc đẩy nội địa hóa và từng bước làm chủ các khâu trong sản xuất”, chuyên gia Trần Phương nhìn nhận.