Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%).
Ngày 13/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.
Tại phiên họp, trình bày Báo cáo kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường kỳ của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Tại các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ luôn đặt ra yêu cầu cao nhất, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Về kết quả giải ngân vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu cho thấy, đối với kế hoạch vốn của năm 2021, tổng kinh phí sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 đã giải ngân là 1.078 tỷ đồng, đạt 88,95% kế hoạch. Đối với kế hoạch vốn của năm 2022, đến 31/1/2023, giải ngân vốn năm 2022 được khoảng 14.468,011 tỷ đồng, đạt 42,49% kế hoạch (trong đó: vốn đầu tư phát triển khoảng 12.933,106 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch; kinh phí sự nghiệp khoảng 1.534,35 tỷ đồng, đạt 7,82%).
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023, các địa phương đã tiến hành các thủ tục kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân khoảng 18.982,631 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022 còn lại. Đến 31/8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài khoảng 6.225,657 tỷ đồng, đạt khoảng 58,47% kế hoạch vốn kéo dài (Tính tổng vốn kế hoạch của năm 2022 đã giải ngân trong năm 2022 và trong 8 năm 2023 khoảng 19.158,763 tỷ đồng, đạt 79,82% kế hoạch năm 2022).
Đối với kế hoạch năm 2023, kết quả giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2023 đến tháng 6 năm 2023, kết quả giải ngân khoảng 1.131,044 tỷ đồng, đạt 5,33% kế hoạch. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023 đến 31/8/2023, kết quả giải ngân được khoảng 10.139,674 tỷ đồng, đạt 41,9% kế hoạch.
Đặc biệt, nếu tính tổng vốn đầu tư công giải ngân trong năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đến 31/8/2023, kết quả giải ngân đạt được khoảng 16.365,331 tỷ đồng, đạt 47,81% kế hoạch.
Thông tin về kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ từng chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,4% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao).
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thì tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 là 4,03%, giảm 1,17%, đạt mục tiêu quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg; đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 21,02%, giảm 4,89% so với năm 2021, đạt mục tiêu quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg. Tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo là 38,62% (giảm 6,35%) đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao (4%). Có 22/74 huyện nghèo đang được đầu tư theo Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020), trong đó, có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.
Có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). Có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 5 tỉnh (bao gồm: Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.