Theo TS.BS Phan Hoàng Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh không lây nhiễm gây tàn tật và tử vong sớm; đồng thời cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân dẫn đến cắt cụt chi.
Kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy, tỷ lệ mắc ĐTĐ ở người trưởng thành ước tính 7,1%, tương đương gần 5 triệu người.
Bệnh ĐTĐ không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn nguy cơ dẫn đến những biến chứng nặng nề như mù lòa, suy thận, tai biến mạch máu não, đột quỵ. Cùng với bệnh lý ĐTĐ, hiện nay một số bệnh nội tiết khác như rối loạn chuyển hóa, bướu cổ, suy giáp cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Nguyên nhân của những bệnh lý này chủ yếu là do tình trạng thiếu hụt iốt gây nên.
Đáng lo ngại hơn là tình trạng tỷ lệ người mắc ĐTĐ đang ngày càng gia tăng trong khi vẫn còn bộ phận lớn người bệnh không được chẩn đoán. TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, kết quả điều tra năm 2012 của Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới cho thấy hơn 4% dân số Việt Nam mắc ĐTĐ, nhưng đến năm 2020, con số này là gần 7,3%. Như vậy gần 10 năm, tỷ lệ dân số mắc ĐTĐ ở nước ta tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên, một nửa số người mắc ĐTĐ không được chẩn đoán. Nhiều người đang sống với bệnh ĐTĐ tuýp 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh cho đến khi xuất hiện các biến chứng.
Tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh ĐTĐ vừa được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận định, trước tình hình các bệnh không lây nhiễm trên thế giới vẫn có xu hướng gia tăng, trong đó có bệnh ĐTĐ, người dân cần đề cao tinh thần phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe để bảo vệ bản thân và gia đình trước các nguy cơ bệnh tật.
GS.TS Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết ĐTĐ kêu gọi người dân có trách nhiệm với sức khỏe của mình, bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh như ăn uống và duy trì cân nặng hợp lý, sử dụng iốt trong bữa ăn hàng ngày, tăng cường vận động thể lực, chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh ĐTĐ để dự phòng, phát hiện sớm bệnh; khám sức khỏe thường xuyên, xét nghiệm phát hiện sớm tình trạng tiền ĐTĐ, các bệnh do thiếu hụt iốt để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Các chuyên gia y tế cũng bày tỏ quan ngại trước tình hình số ca trẻ em mắc ĐTĐ đang gia tăng ngày một rõ ràng hơn. PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương thông tin: Tại Việt Nam, số liệu tích lũy đến nay có khoảng 1.750 trẻ mắc ĐTĐ tuýp 1 được chẩn đoán ở các bệnh viện nhi lớn trên cả nước. Số ca mắc mới tăng lên rõ qua các năm. Một minh chứng cụ thể, tính riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương, nếu như 10 năm trước chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca mỗi năm nhưng những năm gần đây có hàng trăm ca mỗi năm, có cả trẻ sơ sinh mắc ĐTĐ. Hiện bệnh viện đang theo dõi, điều trị ngoại trú khoảng 1.000 trẻ bị ĐTĐ tuýp 1.
Thông tin từ Bệnh viện Nội tiết trung ương cũng cho biết, trong năm qua cơ sở y tế này đã tiếp nhận hơn 10 trẻ dưới 14 tuổi nhập viện vì mắc ĐTĐ. Gần đây nhất, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết, vừa cấp cứu thành công bé trai 4 tuổi (ở quận Long Biên, Hà Nội) hôn mê vì biến chứng tiểu đường. Mẹ bệnh nhi cho hay, trước khi nhập viện, bé chưa phát hiện mắc bệnh gì. Tuy nhiên, trong vòng khoảng 3 tuần nay, bé sút khoảng 3kg và đi tiểu nhiều vào ban đêm. Sau khi nhập viện và làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy, bệnh nhi đang trong tình trạng nhiễm toan nặng, lượng đường máu tăng lên rất cao 37mmol/l.
BS Hoàng Văn Kết - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) cho biết, bệnh tiểu đường ở trẻ em chủ yếu là ĐTĐ tuýp 1, tức là thể đái tháo đường phụ thuộc insulin. Điểm khó là tình trạng đái tháo đường của trẻ chưa hề được phát hiện từ đầu, đến lúc phát hiện ra đã trong tình trạng rất nặng. Khi bệnh tiểu đường diễn tiến nhanh hoặc được phát hiện muộn, trẻ trở nên mệt mỏi, kiệt sức. Nồng độ glucose và ceton trong máu tăng lên rất cao, tình trạng mất nước nặng xuất hiện, trẻ sẽ hôn mê.
Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh khi phát hiện con mình có biểu hiện uống nhiều nước, đi tiểu nhiều kèm gầy sút cân trong thời gian ngắn, nên đưa đi khám để phát hiện sớm bệnh tiểu đường, điều trị đúng cách, tránh các tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra.