Khởi nghiệp từ nghề truyền thống của gia đình, ông Phan Văn Phúc khai phá nhiều đất đai hoang hóa để làm muối. Chính hạt muối đã giúp ông thoát khỏi cảnh đời cơ cực, thu lãi hàng tỷ đồng mỗi vụ muối.
Đến cánh đồng muối nổi tiếng Vĩnh Thịnh, hỏi ông Phan Văn Phúc (71 tuổi), ngụ ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu hầu như ai cũng biết. Ông Phúc là diêm dân gắn bó với nghề làm muối gần 40 năm. Cha mẹ ông là những diêm dân đầu tiên khai phá vùng đất hoang hóa ở xã Vĩnh Thịnh, tạo nên những cánh đồng muối bạt ngàn.
Năm 1979, ông Phúc xuất ngũ về quê lấy vợ, khởi nghiệp từ nghề muối truyền thống của gia đình. Ban đầu, hai vợ chồng ông Phúc khai phá một diện tích đất hoang hóa khoảng 6ha ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh. Vợ chồng ông đã phải tạo mặt bằng, đắp bờ bao xung quanh để làm ruộng muối. Dù nhiều lần không thành công nhưng ông không từ bỏ, vẫn nỗ lực với niềm đam mê và đầy quyết tâm.
Nhờ cần cù, chịu khó, ông Phúc vừa làm vừa rút kinh nghiệm và không ngại đầu tư nên bắt đầu thu lợi nhuận từ nghề muối. Có tiền lãi, ông tích lũy mua thêm đất, mở rộng diện tích sản xuất theo từng năm. Đến năm 2000, ông sở hữu trên 40ha đất sản xuất muối, mỗi năm thu hoạch trên 75.000 giạ muối (30kg/giạ). Hỏi người dân ở đây về người có diện tích đất sản xuất muối có quy mô lớn nhất ai cũng chỉ tới nhà ông Phan Văn Phúc.
Nhờ bám nghề muối, gia đình ông Phúc trở nên khấm khá nhất vùng. Từ những giọt mồ hôi đổ xuống cánh đồng muối Vĩnh Thịnh, ông Phúc đã xây dựng được căn nhà khang trang, cuộc sống đủ đầy.
Có được thành quả này là cả quá trình cực khổ vất vả bươn trải và cũng từ đó ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Ông chia sẻ, một trong những ưu điểm của muối Bạc Liêu là mặn nhưng không chát đắng, do đó muối Bạc Liêu rất được ưa chuộng. Sản phẩm muối ông Phúc làm ra không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, ngành nghề sản xuất muối cũng đối diện với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là sự không ổn định về sản lượng và giá cả. Hễ năm nào trúng mùa, sản lượng muối sẽ tăng cao, dẫn đến giảm giá. Ngược lại, khi thời tiết không thuận lợi, sản lượng giảm và giá cả tăng cao, gây khó khăn cho người làm muối.
Nhiều hộ làm muối còn đối mặt với các vấn đề như thiếu vốn đầu tư vào kho bảo quản khiến cho muối không giữ được lâu, bấp bênh về giá. “Diêm dân không có vốn sản xuất phải “bán muối non”, thì chỉ lo đủ cái ăn, cái mặc. Bà con không có tiền để cải tạo đất, thuê công nhân, bơm nước mặn vào ruộng muối... nên phần lớn phải vay mượn trước của thương lái. Đến khi thu hoạch muối, họ bị thương lái ép giá, giá mua giảm khoảng 40% so với giá thị trường. Do đó, nhiều người không bám trụ được với nghề” - ông Phúc cho hay.
Theo chia sẻ của tỷ phú nghề muối, thường giá muối sẽ có chu kỳ 3-4 vụ tăng cao một lần. Người sản xuất sau khi thu hoạch bán luôn thì sẽ không được giá cao, nhất là những năm trúng mùa, sản lượng lớn. Vì vậy ông Phúc đã chủ động xây nhiều kho để trữ lại, khi giá cả phù hợp mới xuất bán. “Đó chính là bí kíp để thành công với nghề này” - ông Phúc vui vẻ chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, Trần Minh Đức cho hay, gia đình ông Phúc là hộ sản xuất muối có diện tích lớn nhất ở địa phương. Ông thường xuyên hỗ trợ các hộ cùng nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương này.
Làm muối là nghề truyền thống có bề dày hơn 100 năm tại tỉnh Bạc Liêu. Tỉnh đã đề xuất và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý cho tổ chức Festival Muối dự kiến vào tháng 12/2024 để tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm muối trên cả nước nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Trước đó, năm 2013 muối Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, và năm 2020 Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.