UBND tỉnh Quảng Nam trả lời nhiều vấn đề 'nóng' Báo Đại Đoàn Kết phản ánh

Tấn Thành - Chí Đại 05/10/2023 18:39

Chiều 5/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) quý III và một số nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2023. Tại đây đại diện UBND tỉnh và các sở, ban ngành, đơn vị liên quan đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến các vụ việc mà thời gian qua Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh.

Tại buổi Họp báo, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có đặt nhiều câu hỏi như: Tại Quảng Nam hiện nay có nhiều cây cầu, tuyến đường của những dự án hàng trăm tỷ đồng từ đồng bằng đến miền núi đang dở dang, chậm tiến độ hàng năm trời, thậm chí có công trình còn bị nhà thầu “bỏ chạy”. Vậy tại sao với cách làm như trên các đơn vị này vẫn được đấu thầu, trúng nhiều gói thầu và hậu quả đã nêu ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đặt câu hỏi tới lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, các Dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, trong đó có cầu Tây An 1 và cầu Tây An 2; Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, tái thiết tuyến đường ĐH1.PS và ĐH2.PS; Dự án cầu Tam Tiến và đường dẫn huyện Núi Thành; Dự án thi công đường giao thông đến Trung tâm xã Trà Bui (đường ĐH8) mà Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh thi công dang dở, chậm tiến độ do nguyên nhân vướng mặt bằng thiếu đất nền. Điển hình là cầu Tam Tiến hiện nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng được.

Ông Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Quảng Nam trả lời câu hỏi Báo Đại Đoàn Kết nêu.

Theo ông Nguyễn Hưng, việc thiếu nguyên liệu đất đắp nền đường cũng đang xảy ra, vì làm đường giao thông, đặc biệt là các tuyến vượt lũ như, vùng đông Duy Xuyên, có nơi chưa có mỏ đất. “Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh giao cho các địa phương đăng ký các mỏ khoáng sản để làm các thủ tục đấu thầu, mục đích tăng nguồn cung trên thị trường, giải quyết việc thiếu đất nguyên liệu phục vụ thi công các dự án trên địa bàn tỉnh hiện nay. Việc nhà thầu khi đấu thầu phải chọn mỏ đất để đăng ký rồi mới đấu thầu là đúng, nhưng thực sự hiện nay những mỏ đất trên địa bàn cung ứng còn thiếu. Tuy nhiên, không phải do thiếu đất mà dẫn đến chậm trễ”, ông Hưng nói.

“Theo nguyên tắc chậm thì phải xử phạt theo hợp đồng. Nếu xử phạt hợp đồng mà trong vòng 56 ngày không tiếp tục thực hiện dự án nữa thì dừng dự án, trách nhiệm liên quan các vấn đề giải quyết gây thiệt hại sẽ đưa ra Tòa án. Chứ không phải dừng để gây chậm trễ dự án. Ở đây trách nhiệm chủ đầu tư rất là lớn”, ông Nguyễn Hưng chia sẻ.

Tiếp đến, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đặt câu hỏi về việc TP Hội An, tỉnh Quảng Nam xin vốn một đằng, đầu tư một nẻo. Đó là sự việc mà Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh: Sau khi có tờ trình và được UBND tỉnh Quảng Nam cấp kinh phí nâng cấp kênh dẫn nước tạo nguồn trạm bơm Cẩm Thanh, Phòng Kinh tế TP Hội An lại tự ý xin điều chỉnh đầu tư sang công trình khác.

Dự án cầu Tam Tiến thi công dang dở.

Ông Nguyễn Hưng cho rằng: “Nếu như đầu tư công thì không có trường hợp như trên, vì đầu tư công phải có danh mục, mã số dự án. Nhưng qua tìm hiểu tôi được biết dự án trên mà TP Hội An xin là nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, trong quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam cấp 7,5 tỷ đồng nhưng không nói rõ danh mục nào, còn tờ trình của TP Hội An có đăng ký 3 danh mục. Theo tôi nghĩ về nguyên tắc nếu xin cái gì phải làm đúng cái đó, còn nếu không làm đúng trong danh mục thì phải xin các cấp thẩm quyền”.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết tiếp tục đặt thêm câu hỏi, Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh về Trạm sản xuất bê tông nhựa nóng được xây dựng ở Cụm công nghiệp Quế Cường, thuộc xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam hoạt động không phép hơn 6 năm qua nhưng chính quyền địa phương không xử lý. Vậy ai đã bảo kê để đơn vị này vi phạm như vậy? Nếu Trạm bê tông nhựa này không phép mà cung ứng nguyên liệu phục vụ cho các công trình trên địa bàn tỉnh, vậy chất lượng có đảm bảo hay không và có đơn vị nào kiểm tra chất lượng chưa?

Dự án tuyến đường ĐH1.PS và ĐH2.PS thi công dang dở.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng cho hay, năm 2017 Trạm bê tông nhựa ở CCN Quế Cường có chủ trương đầu tư, thời gian thực hiện 50 năm ở CCN Quế Cường. Về nguyên tắc pháp lý để hoạt động Trạm bê tông này thì Công ty CP Đầu tư xây dựng Tín Đăng Khang (gọi tắt Công ty Tín Đăng Khang) chưa đảm bảo. Vì công ty này chưa được cho thuê đất, chưa hoàn thành các hồ sơ để xây dựng trạm bê tông, chính vì vậy mà UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu Công ty Tín Đăng Khang ngừng hoạt động từ năm 2019, giao cho UBND huyện Quế Sơn giám sát việc chấp hành vấn đề này.

Trạm bê tông nhựa ở CCN Quế Cường không phép.

“Qua báo chí phản ánh thì Công ty Tín Đăng Khang liên doanh với Công ty Thuận Lộc Phát tiếp tục thực hiện hoạt động Trạm bê tông ở Cụm công nghiệp Quế Cường. Vì thế, vào ngày 13/9/2023, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Quế Sơn xử lý ngay sự việc này. Còn về Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã có 3 văn bản yêu cầu Công ty Tín Đăng Khang phải thực hiện 3 việc gồm: Điều chỉnh dự án, cập nhật lại thông tin pháp lý của công ty, thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm dự án, tuy nhiên 3 năm qua Công ty Tín Đăng Khang vẫn chưa thực hiện”, ông Nguyễn Hưng thông tin.

Quang cảnh buổi họp báo.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đặt câu hỏi tiếp theo, vậy 6 năm qua Công ty này cung cấp vật liệu bê tông nhựa nóng thi công các công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, thì chất lượng công trình ai chịu trách nhiệm? Và trách nhiệm của các cơ quan quản lý buông lỏng để công ty này hoạt động không phép ai sẽ chịu trách nhiệm? Tuy nhiên câu hỏi này chưa được trả lời.

Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết có loạt bài phản ánh “Quảng Nam: Hàng loạt dự án trăm tỷ chậm tiến độ, trách nhiệm thuộc về ai?” (số ra ngày 26/8/2023); “Trạm bê tông 6 năm hoạt động không phép” (số ra ngày 24/08/2023); TP Hội An (Quảng Nam): Xin vốn một đằng, đầu tư một nẻo (số ra ngày 15/9/2023)...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    UBND tỉnh Quảng Nam trả lời nhiều vấn đề 'nóng' Báo Đại Đoàn Kết phản ánh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO