Phương án tìm một HLV nội thay cho HLV Miura gần như đã được VFF chốt lại. Tuy nhiên, vấn đề của VFF hiện giờ đối mặt không chỉ là phải tìm được một ông thầy giỏi, mà người đó cũng phải biết dũng cảm nhận nhiệm vụ rất nặng nề từng khiến rất nhiều những HLV tiền nhiệm thất bại trong quá khứ.
HLV Lê Huỳnh Đức.
Nhiều ứng viên sáng giá
Do sắp tới đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) sẽ tham dự nốt 2 trận vòng loại World Cup 2018 (gặp Đài Loan – Trung Quốc và Iraq, vào tháng 3), nên VFF cần phải sớm tìm một HLV thay cho nhà cầm quân Miura vừa bị sa thải. Việc sớm có một HLV lúc này cũng là sự chuẩn bị dài hơi hơn cho AFF Cup vào cuối năm và xa hơn nữa là SEA Games 29 vào năm sau tại Malaysia.
Hầu hết các thành viên BCH VFF đều ủng hộ phương án tìm HLV nội. Đặc biệt, cơ quan quản lý của VFF là Tổng cục TDTT cũng đã “bật đèn xanh” để VFF tìm HLV nội lên tuyển.
Trong các HLV nội hiện nay, người được đánh giá cao nhất sẽ thay HLV Miura là cựu thuyền trưởng CLB SL Nghệ An Nguyễn Hữu Thắng. Sau khi nghỉ SL Nghệ An ở mùa giải 2014, HLV Hữu Thắng tập trung vào việc học để chuẩn bị cho tương lai. Từ đó tới nay, HLV Hữu Thắng được rất nhiều CLB mời về dẫn dắt, trong đó có Thanh Hóa, B.Bình Dương… nhưng đều bị chiến lược gia họ Nguyễn từ chối. Cựu cầu thủ ĐTVN cho biết, nếu được lựa chọn thì anh luôn luôn ưu tiên SL Nghệ An, vì sự phát triển lâu bền của bóng đá xứ Nghệ. Vì thế mà mới đây Hữu Thắng đã trở lại đội bóng cũ của mình để làm Giám đốc Kỹ thuật.
Tuy nhiên, trong cuộc trả lời báo chí mới đây, HLV họ Nguyễn đã nói rằng việc lên tuyển là một vinh dự lớn với bất cứ lúc nào và sẽ cân nhắc thật nghiêm túc ngay sau khi VFF đặt lời mời.
Gương mặt thứ 2 được đánh giá cao là HLV Lê Huỳnh Đức. Huỳnh Đức cũng chính là một trong những HLV được VFF mời sau khi VFF chấm dứt hợp đồng với HLV Phan Thanh Hùng năm 2012. Về chuyên môn, HLV họ Lê chẳng kém bất cứ ai, thậm chí còn cao hơn tất cả những HLV nội hiện tại, nhưng khó khăn với Huỳnh Đức chính là đang có sự nghiệp rất tốt tại CLB SHB Đà Nẵng. Nếu bỏ CLB để lên tuyển lúc này sẽ như một canh bạc. So với người đồng nghiệp Hữu Thắng, Huỳnh Đức cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Một ứng viên “nặng ký” khác có thể lên tuyển là HLV Hoàng Anh Tuấn. Ông Tuấn từng làm trợ lý cho HLV Phan Thanh Hùng tại AFF Cup 2012 và đang là HLV trưởng đội tuyển U19 Việt Nam. Xét về bằng cấp cũng như trình độ ngoại ngữ, HLV người Khánh Hòa nổi trội so với những người còn lại. Thực ra, HLV Hoàng Anh Tuấn suýt chút nữa đã lên nắm quyền ở các đội tuyển Việt Nam vào năm 2013 nhưng vì nhiều lý do nên đã từ chối.
Những HLV nội được đánh giá cao còn lại có thể kể đến cái tên Nguyễn Văn Sỹ, Trần Công Minh, Phan Thanh Hùng.
Ai dám lên tuyển?
Kể từ khi hội nhập lại với khu vực, bóng đá Việt Nam đã sử dụng tổng cộng 11 HLV nội để dẫn dắt ĐQTG. Trong đó, 6 người làm chính thức, số còn lại chỉ tạm quyền (Trần Duy Long, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Thành Vinh, Trần Văn Khánh, Lê Đình Chính và Mai Đức Chung). Trong số này, hầu hết các HLV đều không có thành tích tốt và đây chính là lý do VFF thường đưa ra để tìm những HLV ngoại.
Thực tế, VFF không chắc chắn tìm được một HLV nội phù hợp. Điều này không hẳn xuất phát từ thành tích tệ hại kể trên mà chủ yếu do cách đối xử của tổ chức này với các HLV trong nước thời gian qua.
Gần nhất, HLV Hoàng Văn Phúc được VFF nài nỉ lên dẫn dắt ĐTQG cũng như U23 Việt Nam năm 2013 trong bối cảnh hàng loạt HLV nội khác từ chối lời mời của VFF. Tuy nhiên, khi đang chuẩn bị cho SEA Games tại Myanmar, ông Phúc bị VFF đình chỉ làm nhiệm vụ chỉ vì một trận hòa của U23 Việt Nam tại BTV Cup 2013. Đó là trận đấu mà ông Phúc không muốn tung đội hình mạnh nhất ra sân vì lo cầu thủ chấn thương và lộ bài, nhưng VFF lại muốn lấy lòng người hâm mộ, tức là đội tuyển phải chơi đẹp và thắng trận. Sau thất bại tại SEA Games 27, ông Phúc nhiều lần xin rút lui và cuối cùng thì cũng được VFF gật đầu, sau khi có “mối” tìm được người thay thế.
Các HLV nội khi lên tuyển những năm qua thường không được toàn quyền quyết định. Điều mà các HLV nội phải suy nghĩ nhiều nhất khi được hỏi về chuyện dẫn dắt ĐTQG, chính là sự đối xử, tôn trọng của VFF. Hay nói cách khác, HLV nội không có được thực quyền như HLV ngoại, vì thế mà họ luôn không được tôn trọng trong mỗi quyết định về chuyên môn. Dường như HLV nội lên tuyển quan hệ với VFF như cấp dưới-cấp trên, thay vì được ràng buộc bởi các điều khoản trong hợp đồng.
Nói một cách dễ hiểu, thì HLV nội không thích đánh đu với nghiệp cầm quân của mình. Uy tín, có năng lực chuyên môn và được lòng cầu thủ như HLV Phan Thanh Hùng, cũng đã phải thất bại sau 3 tháng lên tuyển. VFF luôn chê các HLV không có trách nhiệm với quốc gia, nhưng sau những gì mà họ thấy, họ nhận, thì rõ ràng là chẳng ai muốn đánh đổi.