Một số ý kiến cho rằng, trong công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, cần ứng dụng khoa học công nghệ vào trong xử lý, giải quyết.
Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) về hành chính năm 2024 cho thấy, các cơ quan hành chính đã xử lý 327.677/334.878 đơn tiếp nhận; có 256.550 đơn đủ điều kiện xử lý, trong đó có 38.929 đơn khiếu nại, 20.409 đơn tố cáo; có 24.969 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền.
Theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, số đơn có đủ điều kiện xử lý năm 2024 ở bộ, ngành là 52,1%, ở Thanh tra Chính phủ là 34,4%, ở 45/63 địa phương là 85,1%. Đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số đơn không đủ điều kiện xử lý ở các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là ở Thanh tra Chính phủ có tỷ lệ cao hơn nhiều so với ở địa phương.
Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề: Khiếu nại đúng chiếm 18%, tố cáo đúng chiếm 37,4%. Điều này cho thấy công tác xử lý hành chính của các cơ quan bị người dân khiếu nại có phần chưa tốt. Do đó cần nâng cao chất lượng hoạt động các cơ quan.
Theo bà Nga, khi có vụ việc khiếu nại thường người dân photocopy rất nhiều đơn gửi các cơ quan. Do đó, nên giải quyết đơn thư khiếu nại bằng phần mềm thống nhất trong cả nước để lọc đơn trùng, để biết đơn nào đã giải quyết, đơn nào đang giải quyết và đang ở giai đoạn nào?
Vấn đề được bà Nga nêu ra không phải là mới. Hiện nay một số địa phương đã áp dụng phần mềm trong xử lý KNTC. Đơn cử, UBND TPHCM vừa ra mắt và áp dụng phần mềm Hệ thống quản lý KNTC nhằm nâng cao hiệu quả xử lý, giải quyết đơn thư KNTC tại TPHCM. Tỉnh Bình Thuận cũng đã áp dụng phần mềm Quản lý đơn thư KNTC để phục vụ công tác quản lý đơn thư KNTC.
Còn TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2609 về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Thế nhưng vấn đề đặt ra nằm ở việc kết nối cơ sở dữ liệu để có thể biết “đường đi” của đơn thư. Đơn nào đã được giải quyết, đang giải quyết, giải quyết đến đâu... để tránh lòng vòng, tốn sức người, sức của...
Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, xây dựng phần mềm quản lý đơn thư KNTC kết nối với các địa phương khiến “nhiều đời” Tổng Thanh tra Chính phủ trăn trở. Bởi khi có phần mềm này sẽ giảm thiểu KNTC, vì biết được đơn nào đã giải quyết, không giải quyết, hoặc ngừng giải quyết... Nếu không khi người dân không đồng tình và tiếp tục gửi đơn thì khi tiếp nhận, chúng ta lại xử lý giải quyết như quy trình từ đầu.
Bà Hải cũng chỉ rõ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện nay đã có phần mềm về quản lý đơn thư KNTC và phần mềm quản lý về kiến nghị cử tri, và kết nối tới các đoàn ĐBQH để các đoàn ĐBQH cập nhật tình hình. Tuy nhiên ở góc độ tổng thể trên toàn quốc thì đây chỉ là ở kênh khối dân cử, còn kênh khối thanh tra, thanh tra các tỉnh thành phố để khai thác đến mức độ nào, cấp quyền khai thác đến đâu?
“Ví dụ các ĐBQH có thể được cấp quyền để sử dụng và biết khi nhận được đơn thư KNTC, thấy trên hệ thống của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ đơn thư này đã thụ lý, được chính quyền địa phương xử lý rồi thì ĐBQH có thể nắm được thông tin để không chuyển đơn nữa” - bà Hải nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội nói rằng, nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất.
“Cơ sở dữ liệu phải được kết nối, liên thông. Hiện phần mềm theo dõi xử lý đơn thư KNTC đã được triển khai nhưng chưa đồng bộ. 1 đơn mà nhiều cơ quan cùng xử lý, nên lòng vòng. Cho nên tới đây phải tích hợp, phần mềm phải có đánh giá và phân tích” - ông Sơn nhấn mạnh.
Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cũng phản ánh: Việc hiện nay mỗi cơ quan đang sử dụng phần mềm và cơ sở dữ liệu riêng về KNTC, chưa có sự kết nối liên thông. Điều này gây khó khăn trong theo dõi, giám sát giải quyết đơn thư của công dân, đặc biệt giữa cơ quan Trung ương và địa phương.
Liên quan đến vấn đề trên, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp công dân, giải quyết KNTC được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính Nhà nước và đã được lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện trong thời gian qua.
Tuy nhiên theo ông Phong, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này còn khó khăn, bất cập như: chưa đáp ứng được yêu cầu kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc và liên thông trong hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, MTTQ Việt Nam.
“Các địa phương, bộ, ngành chưa thường xuyên cập nhật số liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC do Thanh tra Chính phủ xây dựng và đang triển khai. Một số cơ quan, bộ, ngành sử dụng phần mềm riêng nhưng chưa có kết nối liên thông. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cần đầu tư nguồn lực lớn về tài chính và con người, trong khi điều kiện thực tế ở một số bộ, ngành và nhiều địa phương còn hạn chế”- ông Phong nói.
Đề cập giải pháp, ông Phong cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trên 4 nội dung chính.
Theo đó, nghiên cứu đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật dữ liệu vào hệ thống. Trường hợp có phần mềm riêng thì phải phối hợp để liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia mà Thanh tra Chính phủ đang triển khai thực hiện... Đồng thời Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC vào một nhánh của Đề án 06 để kết nối liên thông trên phạm vi toàn quốc.