Dù TP HCM đã triển khai "Y tế HCM" trên cả hai kho ứng dụng là App Store và Google Play, thế nhưng số lượt ứng dụng tải về còn rất hạn chế, kèm theo các phản hồi tiêu cực từ người dùng.
"Y tế HCM" được Sở TTTT TP HCM phối hợp với sở Y tế TP phát triển từ ứng dụng khai báo y tế điện tử để có một nền tảng ứng dụng thống nhất phục vụ người dân tham gia sản xuất, kinh doanh, lưu thông trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19.
Hiện tại, Quận 7, huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè là 3 địa phương đầu tiên được triển khai thí điểm nền tảng ứng dụng này để di chuyển.
Mỗi người dân khi tải ứng dụng "Y tế HCM" về điện thoại thông minh, sẽ được cấp một mã QR để dùng vào việc di chuyển, lưu thông. Trong trường hợp người dân không dùng điện thoại thông minh thì được cấp mã số qua tin nhắn điện thoại hoặc được cơ quan Nhà nước, đơn vị sử dụng lao động in mã QR ra thẻ.
Hiện nay, ứng dụng "Y tế HCM" đã có trên cả hai kho ứng dụng lớn nhất hiện nay là App Store và Google Play. Dù vậy, nhiều người dùng đánh giá ứng dụng ở thang điểm kém do các lỗi cập nhật sai và khó sử dụng.
Cập nhật đến 17 giờ chiều 16/9 trên kho ứng dụng App Store, "Y tế HCM" có 274 lượt đánh giá, chỉ được chiếm 2 sao trên thang điểm 5 sao của App Store. Trong khi đó, "Sổ sức khỏe điện tử" được đánh giá cao hơn khi có 13.000 lượt đánh giá.
Tương tự, trên kho ứng dụng Google Play thì "Y tế HCM" có khoảng 1.000 bài đánh giá, chỉ được chấm 2,3 sao trong thang chấm 5 sao của kho ứng dụng này. Nhiều người dùng cũng phàn nàn về việc có quá nhiều ứng dụng liên quan đến Covid-19, trong khi các ứng dụng VNEID và "Sổ sức khỏe điện tử" đến nay chưa được thống nhất, khiến nhiều người đi đường vẫn lúng túng khi sử dụng để di chuyển liên quận, huyện tại TP HCM.
Ông Trương Văn Huân, đại diện một doanh nghiệp tư nhân quận 7, TP HCM cho biết, ứng dụng thiếu mục lịch sử tiêm vaccine, trong khi trước đó công ty đã đăng ký cho nhiều nhân viên QR code VNEI hoặc "Sổ sức khỏe điện tử", dẫn đến chồng chéo và nhiều khi người dùng phải mất rất nhiều thời gian khai báo lại tại các chốt kiểm dịch do chưa kịp tải về ứng dụng mới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Biểu, một cư dân tại chung cư Sunrise City quận 7 phản ánh các lỗi về OTP cũng thường xuyên xảy ra trên ứng dụng "Y tế HCM", tương tự như các lỗi gặp phải trên ứng dụng "An Sinh" ra mắt trước đó. "Việc này chắc chắn khiến nhiều người dùng cảm thấy khó chịu, ngoài ra các rắc rối cũng sẽ đến với những người không dùng điện thoại thông minh do chưa nắm bắt được quy định mới để di chuyển tại ba địa phương quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ", ông Biểu cho biết thêm khi trải nghiệm ứng dụng.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQVN TP HCM, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư ô tô Việt Nam cho rằng, việc sử dụng cùng lúc nhiều ứng dụng như App An sinh, di biến động dân cư, QR code tự động, khai báo y tế, sổ sức khỏe điện tử và nay là Y tế HCM, đã khiến nhiều người dân rất khó cập nhật kịp. Đó là chưa kể việc quản lý bằng các ứng dụng thông minh đang còn rất bất cập và có hiệu quả chưa cao. "Tôi xin đơn cử việc vừa qua chỉ trong 4 ngày, Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 được 800.000 người dùng phản ảnh có rắc rối khi sử dụng cổng này truy vấn thông tin. Trong khi hiện vẫn còn khoảng 2 triệu mũi chưa nhập liệu hoặc nhầm lẫn dữ liệu. Đây đã là bài học và thành phố cần phải có các giải pháp căn cơ khi sử dụng công nghệ vào hoạt động phòng chống dịch", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh chia sẻ.
Trước đó, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TTTT TP HCM cho biết, ứng dụng "Y tế HCM" sẽ giúp người dân quản lý thông tin cá nhân thuận tiện nhất. “Sở dĩ thành phố chọn ứng dụng này là vì đáp ứng được yêu cầu của TP.HCM về bộ tiêu chí an toàn; thí điểm đối với các doanh nghiệp ở những lĩnh vực cụ thể trên địa bàn, thẻ xanh Covid-19… và nhiều tiêu chí khác”, ông Thắng nhấn mạnh.