Ứng phó với bão Mulan, Nam Định cấm biển từ 17h chiều nay

Duy Hưng 10/08/2022 20:34

Chiều 10/8, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định phát đi công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị về việc chủ động ứng phó với bão số 2 (bão Mulan)…

Trong công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, TP Nam Định; Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định; Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà; các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi trong tỉnh thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương về chủ động ứng phó với bão số 2.

Đồng thời, yêu cầu các cá nhân và các cơ quan, đơn vị trên phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện ven biển giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu; hướng dẫn tàu thuyền thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

Kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển, chòi canh vây vạng vào nơi tránh trú an toàn hoàn thành xong trước 19h ngày 10/8; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển và cấm biển từ 17h cùng ngày.

UBND các huyện, thành phố trong tỉnh chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bằng mọi hình thức thông tin kịp thời tới mọi người dân về diễn biến của bão, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, tránh bão.

Phối hợp chặt chẽ với các Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi thực hiện tốt việc tiêu rút, điều tiết nước ruộng, nhất là ở vùng trũng thấp, vùng có khả năng tiêu nước kém. Hướng dẫn người dân bảo vệ các ao đầm nuôi trồng thủy sản.

Rà soát thống kê số lượng nhà yếu, nhà tạm kèm theo số nhân khẩu trên địa bàn dự kiến phải sơ tán, đồng thời có phương án sơ tán cụ thể khi có lệnh.

Có phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão.

Tổng kiểm tra toàn tuyến đê điều trên địa bàn, có phương án xử lý giờ đầu đối với những điểm xung yếu, nhất là ở những vị trí đê bị sạt lở.

Triển khai việc chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, công sở; tháo dỡ biển quảng cáo; cắt tỉa cành cây để bảo vệ đường điện và các công trình khu vực xung quanh tán cây; triển khai các phương án tiêu thoát nước đô thị.

“Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thường xuyên giữ thông tin liên lạc với thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh phụ trách địa bàn”, công điện yêu cầu.

Công tác ứng phó với bão số 2 đang được tỉnh Nam Định triển khai tích cực.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT hướng dẫn các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai ngay các phương án xử lý giờ đầu đối với những đoạn đê, kè xung yếu, nhất là ở những vị trí đê bị sạt lở; nắm chắc tình hình mưa bão, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; rà soát, điều tiết vật tư dự trữ phòng chống lụt bão.

Các Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tổ chức tiêu rút nước ruộng trên toàn hệ thống, có phương án bơm tát nước trong trường hợp ngập úng kéo dài, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa úng, ngập.

Công ty Điện lực Nam Định có kế hoạch kiểm tra, đảm bảo an toàn lưới điện để có đủ nguồn điện chất lượng tốt phục vụ công tác phòng chống bão và phục vụ sản xuất.

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị đảm bảo an toàn cháy nổ và trật tự xã hội tại các khu neo đậu, tránh trú; hướng dẫn, điều tiết giao thông khi mưa lớn, ngập lụt.

Sở GTVT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ và hướng dẫn các chủ đò phà vượt sông trong việc đảm bảo an toàn đối với người và phương tiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng giao các ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ, chủ động triển khai các phương án phòng, chống bão theo quy định.

Các Chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án công trình đang thi công chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn người, phương tiện và công trình, yêu cầu tuyệt đối an toàn với người, phương tiện và hệ thống đê, kè của tỉnh.

Các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phụ trách địa bàn được phân công, phối hợp với các huyện, thành phố Nam Định triển khai phòng, chống bão.

“Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nam Định”, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu.

Tỉnh Nam Định có 72 km bờ biển, dọc tuyến đê biển của tỉnh có nhiều hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản; đặc biệt có nhiều bãi ngao nằm ngoài đê quốc gia với số lượng lớn nhân lực, phương tiện thường xuyên hoạt động trên bờ và trên biển…

Theo ghi nhận của Đại Đoàn Kết Online, vào chiều tối ngày 10/8 trên địa bàn tỉnh Nam Định trời âm u, bắt đầu có gió và mưa nhẹ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng phó với bão Mulan, Nam Định cấm biển từ 17h chiều nay