Thống kê mới nhất từ Bộ Y tế cho hay, mỗi năm cả nước có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, chiếm 25,8% tổng số các bệnh ung thư ở nữ giới. Theo các chuyên gia, ung thư vú nếu được phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%.
Nhiều người trì hoãn khám sàng lọc
Tại lễ phát động chiến dịch truyền thông và khám sàng lọc ung thư vú năm 2022 do Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng vừa tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, căn bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, chiếm 25,8% tổng số các bệnh ung thư ở nữ giới. Ung thư vú là một trong 10 ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Ước tính cả nước có khoảng 45.000 phụ nữ đang sống chung với ung thư vú. Hơn một nửa số này được phát hiện muộn khiến hiệu quả điều trị thấp, chi phí cao. Độ tuổi mắc ung thư vú đang trẻ hóa, có những bệnh nhân ung thư vú ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Điều đáng nói là do yếu tố tâm lý nên nhiều phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc để được phát hiện sớm ung thư vú.
Ông Tuyên cũng nêu thực trạng, hiện còn rất nhiều chị em tới bệnh viện thăm khám đều ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém. Vì vậy việc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, cùng với đó chi phí và hiệu quả điều trị cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Cần chủ động tầm soát bệnh
Theo số liệu của Bệnh viện K, những năm gần đây tỷ lệ khám phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm (giai đoạn 0, 1, 2) đã đạt trên 70% và tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú cũng đã đạt 70% ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Hiện điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn về phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học.
GS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, trong điều trị ung thư vú thì yếu tố tiên quyết vẫn là phát hiện, điều trị khi ung thư đang ở giai đoạn sớm. Chính vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (từ độ tuổi 40 trở lên) là rất quan trọng.
Theo các chuyên gia y tế, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu thì có thể chữa khỏi hoàn toàn. Giai đoạn 1-2, bệnh nhân hơn 90% có thể chữa ổn định. Ở giai đoạn 3, tỷ lệ chữa khỏi nếu phát hiện sớm là 60%. Đến giai đoạn 4 thì thường quá trình điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm các triệu chứng đau đớn. Tự khám là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm ung thư vú.
Ông Quảng khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, chị em cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, khám vú thường xuyên và chủ động tầm soát sớm bệnh. Theo đó, chị em nên ăn nhiều rau củ quả, giảm một số chất béo, hạn chế đồ uống có cồn. Chị em thường xuyên kiểm tra ngực là biện pháp được bác sĩ khuyến cáo để kịp phát hiện dấu hiệu của ung thư vú ngay tại nhà. Đồng thời, thực hiện khám định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra bất thường ở vú và điều trị kịp thời. Bên cạnh việc tự khám vú tại nhà, các chị em nên duy trì thói quen tốt cho sức khỏe góp phần giảm nguy cơ mắc ung thư vú bằng cách: Kiểm soát cân nặng, vận động, tập luyện phù hợp kết hợp chế độ ăn uống hợp lý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Bà Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng cho biết, năm 2022 chương trình khám sẽ sàng lọc miễn phí ung thư vú cho 3.400 phụ nữ tại 5 bệnh viện trên toàn quốc gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Ung bướu TPHCM và 3 điểm cộng đồng, từ ngày 18/10 đến 20/11.