Khởi sự đi vay vốn ngân hàng 12 triệu đồng, rồi 50 triệu đồng.. với 2 bàn tay trắng nhiều hộ gia đình tại huyện Xuyên mộc, Đất Đỏ hay ngay tại thành phố Bà rịa – Vũng tàu đã dựng được nghiệp lớn.
Chị Lý Thị Tuyết phát triển kinh tế nhờ mô hình chăn nuôi bò.
Với 5 người con, chị Lý Thị Tuyết (sinh năm 1977) ở tổ 7, ấp 1 (Bàu Lâm, Xuyên Mộc) người Châu Ro cho biết: Từ năm 2006 chị vay 15 triệu đồng theo chương trình vay vốn thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để mua 1 con bò mẹ với giá 13 triệu đồng và để 2 triệu đồng làm chuồng.
Do thời tiết khắc nghiệt nên bò mẹ chết, chị buộc phải bán với giá rất thấp 4,5 triệu đồng. Con nhỏ lại không có thu nhập gì khác ngoài việc đi làm thêm lặt vặt ở thành phố, chị vay mướn thêm 10 triệu đồng ở ngoài.
Nông nghiệp và chăn nuôi bò, dê dường như là kế sinh nhai duy nhất cho nhiều hộ ở ấp 1 này nên chị Tuyết tiếp tục dồn tiền để mua thêm 1 con bò mới.
Trời không phụ lòng người, đến năm 2009, do tích cóp và nhặt nhạnh chị Lý đã trả được hết nợ 10 triệu đồng vay NHCSXH từ năm 4 năm trước.
Sau khi trả nợ chị vay thêm 30 triệu đồng để mua 2 con bò mới, trồng thêm tiêu. Đến thời điểm hiện tại, đàn bò của chị đã có 7 con cùng với 2 sào tiêu.
Câu chuyện mong thoát nghèo của chị Tuyết - một thành viên vay vốn của NHCSXH chi nhánh huyện Xuyên Mộc cũng chỉ là một trường hợp vươn lên tại xã Bàu Lâm này. Nếu như so với người khác là bình thường nhưng với chị Tuyết là cả một quá trình, với người dân nơi đây 1 con bò là cả cơ nghiệp.
Bàu Lâm là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Xuyên Mộc. Hình ảnh Bàu Lâm là một xã còn nghèo, cuộc sống người dân khó khăn...
Toàn xã có 2.519 hộ thì có đến 223 hộ nghèo chuẩn quốc gia, tính ra tỷ lệ nghèo xấp xỉ 10%. Chị Đào Thị Thanh ở ấp 7 chia sẻ: Cứ nhìn đàn bò 16 con là vui. Nếu thuận lợi tôi sẽ vay thêm 50 triệu đồng nữa từ NHCSXH để sửa lại nhà, tân trang lại chiếc xe máy cũ để đi lại.
Theo thống kê của UBND xã Bàu Lâm, hàng năm, bằng nguồn vốn từ Chi nhánh NHCSXH, hàng trăm lượt hộ nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình.
Các hộ được vay vốn đều tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nhất là việc phát triển đàn bò. Từ đồng vốn được vay, các hộ nghèo trên địa bàn xã đã làm ăn hiệu quả.
Bà Cáp Thị Gầng, phó chủ tịch xã Bàu Lâm nói, 90% hộ nghèo vay vốn làm ăn có hiệu quả. Nhiều hộ sau khi đã trả hết nợ ngân hàng, còn mua thêm được xe máy, dựng lại nhà, đầu tư thêm hệ thống tưới tiêu cho vườn, chuồng.
Các đối tượng chính sách đã được NHCSXH phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội tạo điều kiện thuận lợi để chính sách phát triển một cách sâu rộng.
Nhiều hội viên của các Hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, sử dụng vốn vay đúng mục đích, góp phần thực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.