Thực trạng học sinh, sinh viên nói tục, đánh nhau, vô lễ với thầy cô..., còn giáo viên thì ứng xử vượt quá chuẩn mực sư phạm gióng lên hồi chuông về văn hóa học đường hiện nay.
Chưa thể làm gương
Liên tiếp thời gian qua nhiều vụ việc vi phạm chuẩn mực đạo đức nhà giáo được truyền thông phản ánh gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cụ thể, ngày 25/10, Trường tiểu học Lê Quý Đôn, xã Xà Bang, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã ra quyết định về việc tạm đình chỉ công tác chuyên môn 15 ngày đối với thầy Phạm Trường C., giáo viên chủ nhiệm lớp 4A2 của trường, để chờ kết quả xử lý kỷ luật. Thầy C. bị tạm đình chỉ sau khi gia đình học sinh H.T. (lớp 4A2) tố thầy đã dùng thước kẻ đánh nhiều lần vào vùng mông em gây bầm tím. Lý do là vì trong giờ học địa lý, học sinh không mang sách và có nghịch với các bạn khiến quả bóng bay phát nổ gây ra tiếng động.
Cũng vào cuối tháng 10, một clip đăng tải trên mạng xã hội quay lại hình ảnh một nữ giáo viên bị đồng nghiệp khuyên nhủ, kéo tay ra khỏi lớp học vì không phải giờ của cô đứng lớp. Qua xác minh, hình ảnh được ghi tại một lớp 10 của Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế). Vào tiết sinh hoạt lớp, cô giáo dạy môn Ngữ văn này đã xuất hiện là không đúng và đang dùng điện thoại để quay lại việc hỏi từng học sinh về việc ký đơn kiến nghị thay đổi giáo viên đứng lớp.
Hàng loạt sự việc xảy ra trong môi trường học đường, địa điểm là trong lớp học với sự chứng kiến của mấy chục học sinh dù đúng, sai thuộc về bên nào thì giáo viên, với tư cách là người thầy cần có sự kiềm chế, bình tĩnh để làm chủ sự việc, không để diễn biến sự việc đi qua xa không thể kiểm soát. Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh cho rằng, các thầy cô to tiếng với học sinh, tranh cãi với đồng nghiệp, có các hành vi thiếu chuẩn mực trước sự chứng kiến của học sinh là điều không nên để xảy ra, bất luận vì lý do gì. “Điều đó cho các em thông điệp sai lệch về cách ứng xử giữa người và người, mất đi sự tôn trọng đối với người thầy, trở nên hoài nghi với những gì thầy cô trao gửi trên bục giảng” - bà Anh nhấn mạnh.
Giải pháp tổng thể
Như phân tích của PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), nguyên nhân gốc rễ để xảy ra những sự việc thiếu chuẩn mực có lẽ là do kỹ năng quản lý cảm xúc của người giáo viên trong những tình huống thực tiễn.
Nguyên nhân thứ 2, có thể những chương trình dạy về xử lý các tình huống sư phạm trong nhà trường vẫn là những tình huống trong điều kiện “phòng thí nghiệm”, “lớp học giả định” được kiểm soát chặt chẽ, những tình huống này không giống với thực tế, nên khi va vấp với tình huống thực tế, các giáo viên sẽ hoang mang, lúng túng trong xử lý.
Với nguyên nhân này, các chương trình đào tạo sư phạm hiện nay cần tăng cường thời gian để giáo viên “hội nhập nghề nghiệp” với môi trường thực. Và việc đánh giá hành vi đạo đức không chỉ gói gọn trong môn học mà là cả quá trình theo dõi và quan sát hành vi của giáo viên trong tương tác với môi trường tình huống thực ở các cơ sở giáo dục. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như áp lực cuộc sống, áp lực nghề nghiệp. Bên cạnh đó, giáo viên còn bị áp lực bởi kì vọng của cha mẹ học sinh, xã hội, với công việc của mình.
Chia sẻ góc nhìn này, bà Nguyễn Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Ninh Xá (Bắc Ninh) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa học trò với thầy cô, giữa cha mẹ học sinh với thầy cô là do kỹ năng xử lý tình huống sư phạm chưa hợp lý, khả năng giao tiếp của thầy cô còn hạn chế. Do vậy, Trường THCS Ninh Xá đã ban hành bộ quy tắc ứng xử và triển khai rộng rãi đến cán bộ giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh của nhà trường. “Điều quan trọng trong bộ quy tắc ứng xử là xây dựng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và được phổ biến tới cán bộ giáo viên bằng nhiều hình thức phong phú để lan tỏa đến toàn thể cán bộ giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh...” - bà Yến nói.
Vì vậy, nhà trường thường xuyên bồi dưỡng cho cán bộ giáo viên năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm thông qua các chuyên đề. Tổ nhóm chuyên môn để xây dựng quan hệ giao tiếp có văn hóa, đúng mực, dân chủ và thân thiện và kỹ năng xử lý tình huống sư phạm trong nhà trường.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chỉ ra rằng, hiện nay văn hóa ứng xử trong cơ sở giáo dục vẫn còn những bất cập. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là ở cả cấp độ chính sách lẫn cấp độ tổ chức thực hiện, chưa có sự quan tâm hóa đáng đến việc xây dựng văn hoá ứng xử học đường.
“Để việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học đi vào thực chất, ngành giáo dục mong muốn toàn xã hội cùng triển khai một cách khoa học, đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp các giải pháp tạo ra môi trường văn hóa học đường an toàn, lành mạnh qua đó góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước” - bà Minh nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:
Thầy mẫu mực, trò mẫu mực
Người thầy mẫu mực thì học trò sẽ mẫu mực. Trước yêu cầu đổi mới và sáng tạo trong giáo dục và đào tạo, điều đầu tiên rất cơ bản để phát triển văn hóa học đường chính là bắt đầu từ người thầy. Muốn phát triển giáo dục và đào tạo thì phải quan tâm đến văn hóa học đường - đây là sự thẩm thấu những hệ giá trị văn hóa trong hoạt động của nhà trường (hoạt động dạy và học). Bên cạnh đó, nhà quản lý giáo dục cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Không chỉ là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mà nhà quản lý giáo dục cũng phải là những người thầy. Đồng thời phải quan tâm đến cơ chế đãi ngộ một cách phù hợp trong bối cảnh kinh tế thị trường tác động rất nhiều đến việc giữ gìn sự trong sạch môi trường giáo dục.