Tự tử xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 ở các trẻ từ 15- 19 tuổi trên thế giới.
Những ngày gần đây, sự việc nam sinh lớp 10 một trường chuyên tại Hà Nội nhảy lầu tự tử vào sáng sớm 1/4 sau khi để lại thư tuyệt mệnh đang khiến dư luận xôn xao. Ngay trước đó, vào ngày 31/3, một nữ sinh lớp 8 tại Bắc Ninh cũng để lại thư tuyệt mệnh và treo cổ tự tử tại nhà riêng. Những sự việc đau lòng liên tiếp xảy ra khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Thế nhưng, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Một nghiên cứu được Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố, Tự tử là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ năm đối với trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi. Đối với trẻ em trai và trẻ em gái vị thành niên từ 15-19 tuổi, đây là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ tư, chỉ sau tai nạn thương tích giao thông đường bộ, bệnh lao và bạo lực giữa các cá nhân. Đối với trẻ em gái trong độ tuổi từ 15-19, tự tử là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ ba và đối với trẻ em trai trong cùng nhóm tuổi, đây là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ tư.
Cũng theo UNICEF ước tính, mỗi năm có khoảng 45.800 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử. Để dễ hình dung hơn, chúng ta có thể hiểu, cứ 11 phút lại có 1 đứa trẻ tự vong vì tự tử.
Còn tại Việt Nam, đây cũng là vấn đề nghiêm trọng và rất đáng lo ngại khi tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng mà chúng ta chưa biết cách nhận diện và có các biện pháp phòng ngừa.
TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương lý giải: “Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hành vi tự tử ở lứa tuổi này. Đây là giai đoạn thay đổi tâm lý nên trẻ rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài cuộc sống. Những mâu thuẫn trong cuộc sống với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết. Ngoài ra, áp lực học tập, thi cử do bản thân, gia đình cũng có thể khiến trẻ nghĩ đến chuyện tiêu cực sau những thất bại trong học tập, thi cử”.
Theo các chuyên gia y tế, nếu trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ như luôn than thở buồn chán, cảm thấy mình tội lỗi xấu xa và vô dụng, những tin nhắn dặn dò hoặc lời chào từ biệt với bạn bè thân thiết hoặc khi thấy trẻ có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát như: tích trữ thuốc ngủ, chuẩn bị dây, dao thì cha mẹ cần chú ý, dành thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của trẻ để có biện pháp phòng ngừa và can thiệp sớm.
“Các bậc phụ huynh cần tôn trọng, lắng nghe và không nên phát xét đặc biệt tôn trọng khoảng riêng tư của trẻ. Ngoài ra, việc hiểu rõ nguyên nhân và các dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp cho các bậc phụ huynh tìm được cách giải quyết và ngăn ngừa tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, nếu bố, mẹ lo lắng về con mình hãy tìm sự hỗ trợ của các bác sĩ và nhà tâm lý” – TS. BS. Ngô Anh Vĩnh khuyến cáo các bậc cha mẹ - “Không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kì vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cần sắp xếp thời gian học tập và vui chơi giải trí cho trẻ hợp lí. Cần tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học tập và trong các mối quan hệ xã hội. Dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống. Về phía nhà trường, cần tạo môi trường học tập thân thiện với sự quan tâm, đồng hành của giáo viên”.