Văn hóa

Ươm mầm tài năng cho nghệ thuật nhiếp ảnh

Minh Quân (thực hiện) 29/12/2023 21:42

Sự phát triển của công nghệ trong thời gian qua đang trở thành cánh tay nối dài trong sáng tạo các tác phẩm nhiếp ảnh. Tuy số lượng tác giả, tác phẩm ngày một gia tăng nhưng những tác phẩm để đời, đỉnh cao thì vẫn hiếm hoi.

Xung quanh vấn đề này, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam - ThS Trần Thị Thu Đông đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

anh1baitren.jpg
ThS Trần Thị Thu Đông.

PV: Thưa bà, dưới góc độ một nhà quản lý, một nghệ sĩ nhiếp ảnh, bà đánh giá ra sao sự phát triển của văn học nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh Việt Nam nói riêng thời gian qua?

ThS Trần Thị Thu Đông: Thời gian qua, hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật đã có bước phát triển mới, theo hướng ngày càng phong phú, đa dạng, hiện đại, từng bước hòa nhập với sự phát triển chung của văn học nghệ thuật thế giới. Tuy bối cảnh sáng tạo đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ song sự chuyển động của văn học nghệ thuật thì đang chậm chạp, nội dung nhiều tác phẩm còn sơ lược, hình thức diễn đạt vẫn theo lối mòn. Hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

Với lĩnh vực nhiếp ảnh, dù còn những khó khăn và hạn chế, nhưng cả nguồn lực ngành nhiếp ảnh đang nỗ lực vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển, hướng tới xây dựng một nền công nghiệp nhiếp ảnh, thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ. Dòng sáng tác phản ánh đề tài cách mạng, hiện thực nhân sinh, xây dựng con người mới, bảo tồn và phát huy giá trị tinh thần, văn hóa dân tộc... cho thấy nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, thể hiện trách nhiệm xã hội của các nghệ sĩ. Những năm vừa qua, mặc dù Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và nhiều tổ chức văn học và nghệ thuật khác đã trao giải thưởng thường kỳ, một năm hoặc hai năm một lần, nhưng hầu như các tác phẩm đoạt giải rất mau chìm vào quên lãng. Thực trạng này có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất theo tôi vẫn là yếu tố con người.

8-a1.jpg
Bộ ảnh “Hạt vàng gieo những niềm vui” của Nguyễn Hiền Thanh (Hậu Giang) đạt Huy chương Vàng Giải thưởng Nhiếp ảnh Xuất sắc năm 2023. Ảnh: Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Như vậy, điểm nghẽn của nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay chính là ở nguồn nhân lực và đào tạo?

- Với bất cứ ngành nghề nào, quan trọng nhất chính là công tác đào tạo, bồi dưỡng. Trước đây, rất nhiều nhà nhiếp ảnh thành danh được đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài. Nhưng gần đây việc này là rất hiếm hoi. Còn trong nước, hiện nay cả nước chỉ có duy nhất Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh có khoa Nhiếp ảnh. Vì thế, các nhà nhiếp ảnh được đào tạo về chuyên môn một cách bài bản rất ít, chủ yếu là do các tác giả yêu thích, tự tìm tòi học hỏi, truyền nghề lẫn nhau, dẫn đến nguồn lực chất lượng cao của nhiếp ảnh cũng không nhiều. Do đó, trong khâu quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cũng cần có sự đột phá, bắt đầu từ việc phổ cập kiến thức nghệ thuật vào nhà trường phổ thông, tạo những “sân chơi” cho cộng đồng người yêu thích nghệ thuật… để “ươm mầm” tài năng.

8-a2.jpg

Được xếp vào một trong những thành tố quan trọng việc phát công nghiệp văn hóa, bên cạnh yếu tố về con người, theo bà nhiếp ảnh Việt Nam cần có những “cú hích” gì?

- Thời gian tới, để nghệ thuật nhiếp ảnh có bước phát triển mạnh mẽ cần quyết liệt hoàn thành việc thể chế hóa quan điểm đường lối, chủ trương, định hướng phát triển thành luật, nghị định, cơ chế chính sách cụ thể, chi tiết. Cần đặc biệt quan tâm hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách các hoạt động văn học nghệ thuật; Cải tiến các chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật như lương, nhuận bút, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ hưu đối với trí thức, văn nghệ sĩ, cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật; Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách khuyến khích phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trọng dụng tài năng, đặc biệt là bồi dưỡng các văn nghệ trẻ vì lực lượng này rất sung sức, cập nhật được nhiều hơi thở trên thế giới. Họ chính là tương lai cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Vậy nên phát triển nghệ thuật đỉnh cao cần nhận thức sâu sắc về vấn đề đào tạo, ở đây là đào tạo từ bé, đồng thời đặt ra yêu cầu hướng tới những tác phẩm nghệ thuật kinh điển, có giá trị cao.

Quần chúng nhân dân đang chờ đợi và đang sẵn sàng đón nhận các tác phẩm văn học nghệ thuật lớn ra đời.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ươm mầm tài năng cho nghệ thuật nhiếp ảnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO