Nhiều năm qua, làng ươm, chiết cây ăn trái ở các xã Vĩnh Thành, Sơn Định, Sơn Qui… (huyện Chợ Lách, Bến Tre) đã trở thành điểm đến cho các nhà vườn ở khắp các tỉnh, thành phía phía Nam và Tây Nguyên.
Không ai nhớ rõ nghề ươm cây con, cây giống ở Chợ Lách bắt đầu từ bao giờ, nhưng có lẽ đã có từ hàng trăm năm nay. Bắt nguồn từ những hộ ươm chiết cây nhỏ lẻ nhờ lợi thế tự nhiên nằm bên sông Hàm Luông giàu phù sa, những vựa ươm cây giống ở đây theo thời gian phát triển, vươn mình và đưa các sản phẩm đi nhiều tỉnh thành.
Ngày nay, nơi đây được coi là “vương quốc” cây giống, chủ yếu là các loại cây quen thuộc như sầu riêng, mít thái, bưởi da xanh, cam, xoài, ổi… với hàng triệu sản phẩm mỗi năm. Hầu hết các xã ở huyện Chợ Lách đều có các vựa ươm chiết tách cây giống do điều kiện tự nhiên thích hợp, trong đó nhiều vựa nổi tiếng, quy mô rất lớn.
Ghi nhận tại một vựa ươm cây giống ở xã Long Thới, nằm ngay bên bờ sông Hàm Luông, chúng tôi có dịp trò chuyện với chị Nguyễn Thị Khánh, chủ vựa. Chị Khánh cho biết, gia đình chị làm nghề này nhiều năm, hiện thuê thêm gần 10 công nhân để phụ giúp. “Ra Tết công việc lúc nào cũng nhiều nhất vì đây là thời gian nhiều nhà vườn bắt đầu trồng cây ăn trái.
Ở đây vựa của tôi chủ yếu chiết cây sầu riêng, mít Thái, bưởi da xanh. Cây con được bán cho các vựa cây giống khác hoặc bán trực tiếp cho nông dân ở khu vực lân cận. Miền Nam bây giờ đang nắng nóng nhưng chỉ 2 tháng nữa là bắt đầu mưa, nông dân họ giờ mua cây giống là thời điểm thích hợp bởi cây con cần một khoảng thời gian bén rễ sau khi trồng, vừa kịp thời gian mùa mưa thì phát triển rất thuận lợi. Tôi mới bán hơn 800 cây sầu riêng cho vựa ở trên Hồng Ngự (Đồng Tháp) đó. Thời gian này cây giống sầu riêng đắt hàng lắm, khách đang trồng nhiều”, chị Khánh chia sẻ.
Theo người phụ nữ này, việc chiết tách một cây giống con có nhiều công đoạn nhưng chủ yếu là chọn được thân cây và mầm cây cần thiết. Trong đó thân cây có thể chọn từ các loại nhành cây mít, loại cây phổ biến ở đây. Những đoạn thân cây mít nhỏ, dài bằng gang tay được cắt hết lá rồi bọc cẩn thận trong một ụ đất trộn với sơ dừa. Tiếp đó là chọn mầm cây, tuỳ từng mầm cây mà sản phẩm sẽ cho ra cây con. Nếu là mầm cây sầu riêng, cây vú sữa nhưng ghép với phần gốc của cây mít thì vẫn sẽ cho ra cây non là sầu riêng, vú sữa tương ứng. Mặc dù vậy, việc tách chiết để tạo thành một cây cũng không hề dễ dàng.
Quan sát vựa cây của chị Khánh, nhiều công nhân đang cặm cụi làm việc, chiết tách cẩn thận từng bước để tạo ra những cây giống chất lượng nhất phục vụ cho các nhà vườn. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả công đoạn của việc tạo chiết cây con. Sau khi mầm cây nảy chồi lộc trên thân mới, công nhân vẫn phải tiếp tục chăm sóc, làm cỏ dại trên ụ đất, cắt những nhánh thừa, tạo thế cho thân cây thẳng hơn… Sau đó khoảng từ 3-4 tuần lễ, cây con có thể bán và trồng được trên vùng đất mới.
Do nằm kẹp giữa sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên nên nhiều năm qua, cây giống con ở Chợ Lách rất thuận lợi để theo ghe thuyền đi khắp các vùng đất châu thổ. Thậm chí ngày nay khi các tuyến đường bộ được nối dài, nghề ươm cây giống ở đây vẫn phát triển thêm và trở thành nơi có vựa ươm cây lớn nhất phía Nam.
Bảo tồn gen cây quý
Để gìn giữ những loại cây ăn trái, đặc sản quý hiếm là điều không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh hội nhập và công nghiệp hóa nền nông nghiệp, rất dễ du nhập nhiều loại cây giống mới được đưa từ nơi khác về như hiện nay.
Anh Thành Chung, 48 tuổi, chủ một vựa ươm cây giống ở xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách) kể: “Ở đây nhiều người cứ nói xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Ri6…, là những loại cây ăn trái nổi tiếng và thông dụng nhất phía Nam nhưng ít ai biết về nguồn gốc các loại cây giống này. Nói nôm na, làm sao để bảo tồn được xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn hay sầu riêng Ri6 là cả một vấn đề. Như xoài cát Hòa Lộc, cái tên rất nổi tiếng nhưng ít người biết Hòa Lộc ở đâu. Khách tới hỏi mua cây giống cứ đòi loại xoài này mới chịu và nhiệm vụ của những người ươm chiết cây là phải tìm đúng giống xoài cát Hòa Lộc sau đó nhân rộng chúng lên.”
Theo những người nông dân làm nghề ươm chiết cây giống, đặc thù của cây giống tách từ cây mẹ là bảo tồn nguyên vẹn được giống gen quý và cho trái được lâu năm hơn các cây công nghiệp. “Nhiều loại cây ăn trái lai tạo từ phòng thí nghiệm nhanh cho ra trái, chỉ khoảng 2 hay thậm chí 1 năm. Tuy nhiên chúng cũng rất nhanh lụi tàn, chỉ gần 10 năm là cây lão hóa, trái rất nhỏ và không còn phù hợp nữa. Ngược lại cây giống tách chiết truyền trồng càng để lâu thì càng nhiều trái. Nhiều vườn sầu riêng ở đây tuổi đời 20 năm vẫn cho ra trái đều đều đó”, anh Chung cho biết.
Có thể nói, dù chỉ là phương pháp lai tạo cây giống truyền thống nhưng với những hộ nông dân ở Chợ Lách, việc gìn giữ và bảo tồn các loại cây giống tốt, quý có nhiều đặc thù được ưa chuộng cũng hết sức cẩn thận. Hầu hết các vựa ở đây đều chọn những loại cây gốc tốt nhất để tạo được lớp cây con nhiều ưu điểm, qua đó cũng tạo cho thương hiệu sản phẩm của nghề ươm cây giống nơi đây ngày càng phát triển, vươn xa hơn.