Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận kết quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận

Việt Thắng 18/09/2023 19:59

Chiều 18/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

Tại phiên họp, báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 24 (tháng 7/2023), ngày 20/7/2023, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến nội dung kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và đã nhận được 16/17 ý kiến góp ý của các cơ quan. Các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến nội dung.

Về dự kiến nội dung, Chính phủ đề nghị bổ sung các nội dung sau trình Quốc hội xem xét, quyết định: (1) Việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; (2) Việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; (3) Việc thí điểm một số cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; (4) Việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư; (5) Một luật sửa nhiều luật để tháo gỡ những vướng mắc ở một số luật có liên quan nhằm huy động nguồn lực cho sản xuất kinh doanh, phục vụ tăng trưởng; (6) Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; (7) Quy hoạch Không gian biển quốc gia; (8) Việc thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024 của các quỹ tài chính ngoài ngân sách do Trung ương quản lý; (9) Một số cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án đầu tư sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 và việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư; (10) Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, con người Việt Nam; (11) Phê chuẩn việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ mới gửi hồ sơ tài liệu của các nội dung (1), (2), (3) và (6), trong đó, nội dung (1), (2) và (6) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí xem xét tại phiên họp tháng 9/2023 này, hiện nay, các nội dung này đã được bố trí trong dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6; còn nội dung (3) đang được Ủy ban Kinh tế chuẩn bị nghiên cứu thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp tháng 10/2023, nên đề nghị chưa bố trí vào dự kiến chương trình khi gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu hồ sơ đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung này tại kỳ họp thứ 6.

Theo đó, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 25 ngày; khai mạc vào ngày 23/10 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 29/11, trong đó có bố trí Quốc hội làm việc 3 ngày thứ bảy. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Cụ thể, Đợt 1 là 20,5 ngày (từ ngày 23/10 đến ngày 16/11). Đợt 2 là 4,5 ngày (từ ngày 24/11 đến ngày 29/11).

Đối với các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bổ sung Báo cáo chuyên đề về tình hình tạm đình chỉ điều tra; Báo cáo hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2023; các Báo cáo của Chính phủ về: Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/2019/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Công tác quản lý cán bộ, công chức; Đánh giá việc thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù, chính quyền đô thị.

Liên quan đến việc tại văn bản số 4892/MTTW-BTT, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị trình Quốc hội thảo luận Báo cáo định kỳ kết quả giám sát, phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tổng Thư ký Quốc hội thấy rằng, đề xuất này đã bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 18-CT/TW về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, cụ thể là: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam định kỳ báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội cho Quốc hội thảo luận, có ý kiến để các tổ chức, cá nhân liên quan trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị”. Đồng thời, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Định kỳ 6 tháng, Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nghe Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thông báo kết quả giám sát; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét kiến nghị và đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.”

Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí kết hợp thảo luận nội dung này cùng với việc xem xét Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5. Theo dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến nội dung này tại phiên họp tháng 10/2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận kết quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO