Trên lý thuyết, sau vòng 22 có tới 8 đội có cơ hội giành ngôi vô địch V-League mùa giải năm nay. Thế nhưng, tưởng như cuộc đua rất quyết liệt và hấp dẫn nhưng kỳ thực lại chỉ có 1-2 đội tham vọng thực sự.
Những kịch bản về cuộc đua tranh khốc liệt chặng cuối V-League có thể chỉ là vở diễn che mắt người xem, và tất cả đã được thấy vở kịch đó “lộ” ra sau vòng đấu 22 V-League vừa qua.
Thất bại của Thanh Hoá khiến nhiều người nghi ngờ (Ảnh: Q.M).
Thêm một lần… tự ngã
Trước vòng 22, Quảng Nam lần đầu ngồi trên đầu bảng xếp hạng, vượt qua các ông lớn của V-League. Nếu đội bóng xứ Quảng thực sự có chiều sâu, có năng lực và thể hiện được sự ổn định và thăng hoa của mình sẽ chẳng có ai nghi ngờ về cơ hội vô địch của họ.
Thế nhưng, chỉ có một trận hoà 1-1 trước HAGL đang chìm sâu trong hoảng loạn bởi những trận thua liên tiếp và khiến HLV trưởng phải xin từ chức.
Dù có lợi thế sân nhà, hơn đối thủ về mọi mặt, việc chỉ có 1 điểm là một thất bại, và chính Quảng Nam đã thể hiện rõ lý do… không muốn vô địch vì họ vẫn là một đội bóng trung bình, hay nói như dân trong nghề thì chưa đủ cái “tầm” của một đại gia V-League.
Nếu vô địch, lý do muôn thuở để biện minh chính là việc Quảng Nam sẽ phải chi rất nhiều tiền để mua sắm lực lượng và đặc biệt là đại diện cho bóng đá Việt Nam tham dự AFC Cup. Một bài toán được đặt ra, còn câu trả lời thì cũng không khó để Quảng Nam lựa chọn.
Xứ Thanh thêm một lần tự ngã! Với Thanh Hoá, “tai nạn” trên sân Cẩm Phả trước Than Quảng Ninh tưởng chừng lại là một bất ngờ nhưng với nhiều người hiểu chuyện thì sẽ chẳng lạ! Đội bóng này năm nay thể hiện tham vọng cực lớn khi quyết tâm vô địch.
Từ việc mua thầy ngoại từng giành cúp C1 châu Âu, tới tuyển quân rầm rộ, chiêu mộ ngôi sao… Thanh Hoá đã không có đối thủ ở lượt đi V-League.
Nhưng đến lượt về thì đội bóng xứ Thanh không giữ được sức mạnh vốn có của mình, đặc biệt là ở giai đoạn nước rút. Sau 2 trận hoà liên tiếp, Thanh Hoá đã phải nhận thất bại trước Than Quảng Ninh ở vòng rồi, theo một kịch bản đầy bất ngờ.
Hình ảnh thủ môn Thanh Thắng chuyền bóng thẳng cho tiền đạo đối phương để bị ghi bàn, làm nhiều người liên tưởng đến pha chuyền bóng “làm độ” của Lã Xuân Thắng ngày xưa.
Thanh Hóa vẫn chưa từ bỏ “thói quen” những mùa gần đây là họ thi đấu rất hay và tăng tốc trong lượt đi, nhưng cuối lượt về họ thi đấu chựng lại rồi “đầu hàng” trong cuộc tranh đua chức vô địch.
Dù FLC Thanh Hóa có nhiều khát khao để giành chiếc Cup vô địch vì người hâm mộ xứ Thanh đã chờ đợi quá lâu, họ có HLV Petrovic và mua về hàng loạt cầu thủ chủ chốt, nhưng có lẽ trong mùa này họ vẫn chưa thể hoàn thành tâm nguyện.
Rất nhiều chỉ trích đã nhắm thẳng vào màn trình diễn đáng thất vọng của Thanh Hóa, đặc biệt là thủ môn Thanh Thắng khi anh mắc sai lầm rất khó hiểu, góp công giúp Than Quảng Ninh lội ngược dòng thắng 4-3.
Người hâm mộ cho rằng thủ môn này có dấu hiệu tiêu cực, nhất là khán giả xứ Thanh rất cay đắng và cho rằng bị các cầu thủ diễn trò trong giai đoạn quyết định cuộc đua vô địch V-League.
Tất nhiên, sau trận đấu, Thanh Thắng đã lý giải đó chỉ là tai nạn và anh gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ: “Lúc này tôi cũng không biết nói gì khi vừa mắc sai lầm.
Bóng đá luôn có những sai sót và tai nạn. Bản thân tôi đã mắc sai sót đáng trách. Tôi rất buồn và thất vọng với chính mình khi sai sót đã làm ảnh hưởng đến đội bóng. Tôi muốn xin lỗi đến ban huấn luyện và người hâm mộ xứ Thanh”.
Có mùi?
Quảng Nam và Thanh Hoá bỗng dưng hụt hơi trong cuộc đua vô địch, theo cùng một kịch bản “tự bắn vào chân mình”. Những đội bóng lớn khác của V-League có lẽ cũng sẽ bằng cách này hay cách khác để “né” ngôi vô địch.
Sự thất vọng bây giờ không chỉ đơn thuần là yếu, kinh phí không đủ nên không thể vô địch, mà những sai lầm cá nhân trong những trận đấu quyết định khiến cho cuộc đua bị đẩy đi theo kịch bản kịch tính nhất.
Ngoài câu chuyện bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua có những đội bóng sợ vô địch, giống như một căn bệnh mãn tính. Những đội bóng cứ đua nhau đến khúc cua quan trọng nhất thì… đứng nhìn đối thủ có tham vọng lớn nhất về đích.
Nhưng không thể không đặt câu hỏi khi số bàn thắng liên tục nở rộ vào những thời điểm quyết liệt nhất. Có đến 31 bàn thắng đã được thực hiện, tại 7 trận đấu ở vòng 22, V-League 2017, tức trung bình hơn 4 bàn/trận.
Đây chưa phải con số kỷ lục tại một lượt trận ở giải bóng đá cao nhất Việt Nam, nhưng một lần nữa, nó lại khiến người ta không thể không đặt câu hỏi vào cái thời điểm chốt của mùa giải này.
Điều đáng nói, hiện tượng bùng nổ các bàn thắng không chứng minh các đội bóng đồng loạt sở hữu hàng công tốt, mà ngược lại số bàn thắng tăng chủ yếu do các hàng phòng ngự và thủ môn quá tệ.
Số bàn thắng qua các vòng đấu tại V-League từng được xem là thước đo cho sự hấp dẫn của vòng đấu đó. Thế nhưng cũng có những trận đấu, độ hấp dẫn không có, không phải là những cuộc rượt đuổi tỉ số, mà vẫn quá nhiều bàn thắng thì thực sự khiến V-League bị đặt câu hỏi.
V-League 2017 sẽ còn 4 lượt trận nữa là hạ màn và giới thạo tin tin rằng, số lượng các bàn thắng sẽ tiếp tục leo thang. Không gì dễ làm hơn là “tài nổ” và “lưới rung” lúc cao trào…
Các đội bóng “diễn kịch” và vô địch theo… kịch bản, và người nhận thiệt thòi nhất sẽ vẫn chỉ là khán giả, những người đội nắng đội mưa, mua vé vào sân để xem một trận bóng đá nhưng hóa ra phải mua vé xem kịch.