Ký ức về năm 2014, khi dịch Ebola tàn phá Tây Phi vẫn còn nguyên vẹn, nhưng thông qua chương trình tiêm phòng đầu tiên được khởi động trong tuần trước, các bác sĩ hy vọng có thể ngăn chặn một thảm họa khác.
Chiến dịch tiêm chủng đột phá
Trên một bệ bê tông được đặt trên một đồi dốc ở khu ổ chuột Freetown ở Sierra Leone, anh Hassan Kamara chỉ vào túp lều lợp mái tôn phía sau: "Tôi đã từng sống ở đây cùng gia đình lớn của mình, nhưng tôi đã mất tất cả người thân chỉ trong vòng một tháng".
10 năm trước, virus Ebola đã tàn phá Tây Phi, giết chết hơn 11.000 người, trong đó có gần 4.000 người ở Sierra Leone - chiếm khoảng 40% số người bị nhiễm bệnh ở quốc gia này. Thời điểm dịch bệnh khởi phát, vẫn chưa có vaccine phòng chống, nhưng hiện nay, thế giới đã có kho dự trữ vaccine với 500.000 liều. Số lượng này đủ để sử dụng trong các chương trình tiêm chủng cho những người làm việc tuyến đầu ở các quốc gia có tiền sử mắc Ebola, với một số mũi tiêm dự phòng trong trường hợp bùng phát.
Sierra Leone đã trở thành quốc gia đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa Ebola trên toàn quốc cho những người có nguy cơ cao nhất. Trong 3 tuần, các quan chức đặt mục tiêu cung cấp 20.000 liều vaccine Ervebo của Merck trong một đợt tiêm chủng sẽ được lặp lại với chu kỳ 2 hoặc 3 năm một lần.
Các liều vaccine sẽ được cung cấp cho các nhân viên y tế - đất nước đã mất 7% lực lượng y tế trong đợt bùng phát năm 2014 – 2016 - và cũng dành cho quân nhân và những người đi xe máy - những người cung cấp phương tiện di chuyển chính cho nhiều người dân Sierra Leone. Ngoài ra còn có những người làm nghề thợ săn vì Ebola lưu hành ở động vật và có thể lây sang người.
Chương trình này đang được chào đón với sự lạc quan như một bước tiến tới việc tạo ra một hệ thống y tế mạnh hơn có khả năng chống chọi tốt hơn với bất kỳ đợt bùng phát nào trong tương lai, nhưng rõ ràng là những ký ức về năm 2014 vẫn còn nguyên vẹn.
Sau khi chứng kiến sự ra đi của những người thân trong gia đình và vượt qua “cửa tử” do nhiễm Ebola, Kamara đã trở thành người phát ngôn của Hiệp hội những người sống sót sau dịch Ebola của Sierra Leone và được chính phủ cử ra nước ngoài làm đại sứ để tìm kiếm sự hỗ trợ cho những người sống sót. Anh đã thúc đẩy việc hỗ trợ trẻ mồ côi và những góa phụ bị ảnh hưởng do dịch Ebola.
Tuy nhiên, Kamara cho biết, ngày nay, sự hỗ trợ đó đã không còn. Chính phủ không còn tài trợ cho các văn phòng của hiệp hội nữa và anh không chắc điều gì đã xảy ra với khoản tiền tài trợ xã hội đã được hứa.
Ít nhất 23 biến chứng sức khỏe đã được ghi nhận ở những người sống sót sau Ebola, từ các vấn đề về thị giác đến thính giác. Giới lãnh đạo đã hứa rằng, họ sẽ được chăm sóc sức khỏe miễn phí tại các bệnh viện của chính phủ, nhưng thực tế, bệnh nhân phải đối mặt với "rất nhiều sự kỳ thị" và phải tự trả tiền thuốc.
Tuy nhiên, anh Kamara hoàn toàn ủng hộ chương trình tiêm chủng mới đang được triển khai. Các loại vaccine được cung cấp từ kho dự trữ toàn cầu do liên minh vaccine Gavi tài trợ, kinh phí cũng được cung cấp để thực hiện chiến dịch. Những người tham gia sẽ bắt tay vào nghiên cứu về các phản ứng lâu dài và hiệu quả của vaccine so với các loại vaccine khác đã được đưa ra trước đó trong các thử nghiệm và chương trình thí điểm.
Cần thêm những yếu tố khác
Tiến sĩ Desmond Maada Kangbai - Giám đốc Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Bộ Y tế Sierra Leone cho biết: “Sự xuất hiện của một đợt bùng phát mới chỉ là vấn đề thời gian. Chúng tôi không muốn quay lại tình trạng như năm 2014, khi các nhân viên y tế tử vong và bệnh nhân bị bỏ rơi tại các trung tâm điều trị và bệnh viện".
Tuy nhiên, vaccine sẽ không phải là giải pháp tối ưu. Những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Sierra Leone trước một đợt bùng phát mới là điều sẽ diễn ra. Khắp đất nước, rõ ràng là nhiều người vẫn chưa được tiếp cận với hệ thống vệ sinh và nước sạch. Vào đầu giờ chiều hàng ngày, trên con đường giữa Kenema và thủ đô Freetown, mọi người vẫn đưa thịt rừng mới giết cho những chiếc xe đi ngang qua với hy vọng bán được.
Tại thị trấn biên giới Kailahoun, anh Yusuf Marrah (30 tuổi) - một người làm nghề bốc thuốc thảo dược - cho biết, anh sẽ khuyến khích những người tìm đến mình để chữa bệnh thích tự tiêm vaccine, nhưng nghề của anh cần được hỗ trợ nhiều hơn. Trong đợt bùng phát dịch Ebola và một lần nữa trong thời kỳ Covid-19, các thầy lang được yêu cầu ngừng làm việc, nhưng lại không có nguồn hỗ trợ nào. Họ cũng không được trang bị đồ bảo hộ dành cho các nhân viên y tế. “Nếu không có sự giúp đỡ đó, chúng tôi sẽ phải tiếp tục làm việc như trước đây".
Tiến sĩ Mohamed Alex Vandi - cán bộ y tế tại Kenema trong đợt bùng phát năm 2014 và hiện là Phó Giám đốc Cơ quan Y tế công cộng Quốc gia - nhấn mạnh, đất nước hiện đang ở trong tình trạng tốt hơn nhiều. Các nhân viên y tế cộng đồng đã được cung cấp máy tính bảng, cho phép báo cáo và giám sát các triệu chứng đáng ngờ theo thời gian thực.
Ông Vandi cho biết, sốt Lassa - một loại sốt xuất huyết do virus (VHF) - đang lưu hành trong nước và được phát hiện ở những khu vực mới. Trong khi đó, Marburg - một loại VHF thứ 3 - đã gây ra một đợt bùng phát gần đây ở Rwanda”. Theo ông Vandi, mỗi tuần, 1 hoặc 2 trường hợp VHF tiềm ẩn được báo cáo và các xét nghiệm được thực hiện đối với Ebola, Marburg và Lassa. Thông thường, các xét nghiệm này đều cho kết quả âm tính.
Theo ông Mohamed Alex Vandi, nếu không có vaccine, nhân viên y tế sẽ rất khó để thoải mái xử lý các trường hợp mà họ nghi ngờ có thể là một trong những trường hợp VHF. Tất nhiên, người dân sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nhưng ít nhất vaccine sẽ giúp họ tự tin hơn.