Trên 117.000 liều vaccine ngừa Covid-19 đã về Việt Nam hiện đang được kiểm định. Theo kế hoạch, giữa tháng 3 này sẽ có thêm 1 lô vaccine về nước.
Theo nghị quyết của Chính phủ về các đối tượng và địa bàn ưu tiên tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, nhân viên y tế ở các khu điều trị bệnh nhân Covid-19, lực lượng quân đội, công an tham gia chống dịch, tổ chống dịch cộng đồng... sẽ là những người đầu tiên được tiêm chủng.
Về địa bàn, sẽ ưu tiên vùng có dịch, đầu mối giao thông, khu vực đô thị tập trung đông người trước. Theo đó, hiện có 3/13 tỉnh có dịch đợt này thuộc diện đang và mới ghi nhận bệnh nhân, bao gồm Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng. Đây là những địa bàn được ưu tiên đầu tiên theo nguyên tắc kể trên.
Dự kiến giữa tháng 3, lô vaccine vừa nhập khẩu sẽ được chính thức đưa ra tiêm chủng. Cho đến nay, Bộ Y tế dự kiến mua được 91 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, chưa kể 60 triệu liều đang đàm phán mua của Nga, với tổng số khoảng 150 triệu liều vaccine tiêm cho 75 triệu người.
Với vaccine sản xuất trong nước, GS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (NIHE), đơn vị triển khai thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac trên người do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) phát triển cho biết, mũi vaccine Covivac tiêm trên người tình nguyện đầu tiên cũng sẽ vào giữa tháng 3. Đây là vaccine thứ 2 do Việt Nam sản xuất được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Dự án nghiên cứu thử nghiệm vaccine Covivac của IVAC trực thuộc Bộ Y tế được nghiên cứu từ tháng 5/2020 trên cơ sở hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế sản xuất. Theo TS Dương Hữu Thái- Viện trưởng Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC), đề cương nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của vaccine Covivac đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Hội đồng Đạo đức cấp cơ sở của các đơn vị liên quan chấp thuận.
IVAC dự kiến bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào đầu tháng 3/2021 và hoàn thành vào tháng 10/2021. Đơn vị nhận thử nghiệm là Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội.
Vaccine Covivac là vaccine dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vaccine vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam. Tại lễ tiếp nhận tài trợ cho nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac “made in Việt Nam” diễn ra nhân dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 vừa qua, GS, TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Y tế khẳng định hiệu lực bảo vệ của Covivac rất tốt. Đánh giá về những lợi thế của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) khi tiến hành nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vaccine Covivac, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay đây là nghiên cứu đa trung tâm và quốc tế. Ngoài vaccine Nanogen đang được thử nghiệm giai đoạn 2 thì vaccine Covivac được coi là vaccine tiềm năng trong công cuộc ứng phó đại dịch Covid-19.
Tới đây, Việt Nam sẽ thử nghiệm lâm sàng của vaccine thứ 3 “made in Việt Nam” do Vabiotech sản xuất. Với việc sản xuất vaccine trong nước, Việt Nam có thể chủ động, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, sẵn sàng ứng phó với đại dịch.
Đã tiêm 64 người, chưa ghi nhận phản ứng phụ
Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, đơn vị đồng triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vaccine Nanocovax (vaccine ngừa Covid-19 do Công ty Nanogen, Việt Nam phát triển) đến 28/2 đã có 64 người tình nguyện từ 18 đến trên 60 tuổi tiêm vaccine này ở các mức liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg, cho đến nay chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào gặp phản ứng không mong muốn.