Vaccine và viêm gan B

Lê Phương 15/01/2017 10:29

Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan của một số nhóm dân cư là 6-20% đối với virus viêm gan B và khoảng 0,2-4% với virus viêm gan C. Tình hình nhiễm virus viêm gan B ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ có thai tại Việt Nam cũng có tỷ lệ từ 10-20%.

Theo kết quả của các nghiên cứu trong nước và quốc tế, 90% số trẻ nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm virus viêm gan B mãn tính.

Theo TS Dương Thị Hồng- Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia tỉ lệ tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh đến hết tháng 10-2016 vẫn đạt thấp (52,1%). Đây là mối lo và cũng là vấn đề cần tiếp tục phải được ưu tiên thực hiện trong năm 2017 của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Vẫn theo TS Hồng, nếu như trong 3 tháng đầu năm 2016, tỉ lệ tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh chỉ đạt 15,5% thì đến hết tháng 10/2016, tỉ lệ này đã tăng đến 52,1%. Tuy nhiên, tính trung bình trên cả nước, tỉ lệ này vẫn còn thấp.

Nguyên nhân là do một bộ phận người dân còn thiếu lòng tin sau một số sự cố khiến trẻ tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B, mặc dù các chuyên gia y tế đã xác định nguyên nhân của những sự cố đó không phải do vaccine. Mặt khác, nhiều phụ huynh cũng lo ngại và thắc mắc tại sao phải tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh.

Theo các chuyên gia y tế, để phòng bệnh viêm gan B, cách tốt nhất hiện nay là tiêm đầy đủ 4 mũi cho trẻ, trong đó mũi thứ nhất phải được tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Trường hợp người mẹ không mắc viêm gan B, trẻ vẫn cần phải được tiêm vaccine này vì trẻ có thể bị lây ngang trong quá trình chăm sóc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh.

Với trẻ dưới 10 tuổi bị nhiễm virus viêm gan B thì 90% trở thành mạn tính, trong đó sẽ có tới 80% trường hợp có thể dẫn tới ung thư gan và xơ gan do liên quan đến viêm gan B mạn tính. Nếu trẻ được tiêm vaccine sớm có thể ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B, thậm chí sau khi phơi nhiễm virus này.

Đặc biệt, với vaccine viêm gan B, tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền virus này từ mẹ sang con, với hiệu quả bảo vệ lên tới 90%. Nếu trẻ tiêm vaccine này muộn sau khi sinh thì việc phòng tránh lây truyền bệnh từ mẹ sang con sẽ bị giảm.

Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng cho biết, vaccine viêm gan B là vaccine tái tổ hợp, bất hoạt, được điều chế từ huyết tương người lành mang kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (HBsAg) không có triệu chứng lâm sàng, vì vậy, không có khả năng gây ra độc lực. Do đó, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về chất lượng vaccine mà hãy cho trẻ đi tiêm đúng lịch để bảo vệ thế hệ tương lai.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trong năm 2016, trong tổng số khoảng 3 triệu mũi tiêm vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ em, năm 2016, xảy ra 22 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin BCG (phòng bệnh lao), vaccine viêm gan B, vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, vaccine sởi - rubella và vắc xin viêm màng não do não mô cầu. Qua đánh giá của Hội đồng chuyên môn thì các ca tử vong vừa nêu chủ yếu trùng hợp với việc tử vong do các bệnh khác mà trẻ đã mắc từ trước hoặc tử vong không rõ nguyên nhân; không trường hợp nào tìm thấy mối liên quan với chất lượng vaccine và dịch vụ tiêm chủng.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, tỷ lệ tử vong sau tiêm chủng năm qua thấp hơn so với tỷ lệ chung được khuyến cáo. Hiện nay, tiêm chủng vẫn là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, Nghị định 104 của Chính phủ, quy định về việc bồi thường cho người bị thiệt hại khi sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch có hiệu lực từ 1/7/2016. Tử vong sau tiêm chủng là điều không ai mong muốn nhưng trong tiêm chủng vẫn có những rủi ro dù tỉ lệ rất thấp. Hiện ngành y tế đang xem xét bồi thường đối với trường hợp đầu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vaccine và viêm gan B

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO