Hiện, giống vải sớm ở xã Bát Trang (huyện An Lão, TP Hải Phòng) đã vào mùa thu hái. Dù sản lượng giảm tới gần một nửa so với năm trước nhưng được giá nên người trồng vẫn có lãi.
Bát Trang là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất Hải Phòng với khoảng 80ha, trong đó vải sớm chiếm 40ha. Vải sớm ở Bát Trang tập trung chủ yếu ở thôn Trực Trang và Quán Trang với 2 giống chính gồm: Trứng trắng, u hồng. Còn lại, vải chính vụ với các giống chính gồm: Trứng gai, vải thiều… Theo thống kê, Bát Trang có khoảng 1.000 hộ trồng vải. Hộ trồng nhiều nhất khoảng gần 100 cây, trồng ít nhất cũng trên 10 cây. Hàng năm, sản lượng vải thu hoạch lên tới 700 - 800 tấn vải. Tổng doanh thu lên đến vài chục tỷ đồng.
Vải Bát Trang có vị ngọt tự nhiên, thanh mát. Lý giải điều này, ông Huy cho biết: Bí quyết chính nằm ở nguồn đất, nguồn nước của vùng quê này do được bao bọc bởi 3 con sông lớn của Hải Phòng: Văn Úc, Lạch Tray và Đa Độ. Hàng năm, nguồn nước phù sa bồi đắp thường xuyên cùng với dòng nước sạch mát khiến cây vải tăng trưởng tốt và cho năng suất cao.
Hiện nay, giống vải sớm được người dân xã Bát Trang vào mùa thu hái rộ. Nhờ lợi thế chín sớm khoảng 30 - 40 ngày so với cây vải chính vụ nên nông dân Bát Trang gặp nhiều thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Các nhà vườn tại Bát Trang cho biết, thời tiết cực đoan của năm nay đã ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, đậu quả của cây vải. Vào thời điểm ra hoa, thời tiết quá nắng nóng nên việc ủ mầm hoa không được thuận lợi. Do đó, sản lượng năm nay chỉ bằng 40 - 50% so với năm 2023.
Gia đình ông Hoàng Văn Nam (thôn Trực Trang) trồng 2 mẫu vải trong gần 30 năm qua. Trung bình, mỗi năm ông Nam thu hoạch 8 - 10 tấn vải, lãi khoảng 150 - 200 triệu đồng. Nhanh tay thu hoạch những chùm vải chín sớm để giao cho thương lái, ông Nam cho biết, nắng nóng và sương muối đã khiến sản lượng năm nay hụt khoảng 40% so với năm trước.
Tương tự như gia đình ông Nam, ông Nguyễn Văn Cảnh (thôn Trực Trang) trồng 1,4 mẫu vải sớm từ năm 1997. Là một trong những hộ trồng vải lâu năm nhất tại xã Bát Trang, hàng năm, với diện tích trên, ông Cảnh thu được khoảng 8 tấn vải. Năm nay, sản lượng ước tính chỉ đạt khoảng 4 tấn.
Theo ông Cảnh, năm nay, nhiều hộ trồng vải khác còn mất trắng. Màu đỏ của vải chín chỉ lác đác chứ không phủ kín tại các vườn như mọi năm. Cảnh thương lái đến thu mua cũng không tấp nập, nhộn nhịp như trước.
Tuy nhiên, dù mất mùa, vải sớm bán được giá hơn vải trồng chính vụ. Các nhà vườn đánh giá giống vải trứng trắng của Bát Trang cũng “một chín một mười” so với vải Thanh Hà (Hải Dương). Đây là loại vải ngon nhất, có chất lượng quả to, đẹp, vỏ mỏng, cùi dày, mọng nước… Với nhiều ưu điểm, giá bán vải trứng trắng lúc nào cũng cao hơn với loại khác. Thương lái đến tận vườn nhập mua với giá 80.000 – 90.000 đồng/kg. Thậm chí, những ngày sát rằm và mùng một, vải khan hàng, không đủ cung cấp cho cho thương lái. Còn lại, vải u hồng có giá giao động ở mức 50.000 – 60.000 đồng/kg.
Theo ông Phan Viết Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Bát Trang, giá vải hiện đang khá cao cũng là do vải mới chớm vào mùa, quả chín tương đối hiếm nên người tiêu dùng vẫn hào hứng tìm mua để thưởng thức. Việc người dân trồng vải sớm đã mở ra hướng phát triển hiệu quả kinh tế hơn cho vùng quê Bát Trang. Xác định vải là sản phẩm chủ lực nên địa phương đang lên kế hoạch ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với loại quả này.