Chùa Tây Phương (tên chữ “Sùng Phúc tự”) là di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật, nằm trên địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây. Chùa Tây Phương thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Việt Nam và là minh chứng một nền văn hóa lâu đời của xứ Đoài…
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam, gồm có 3 tòa chính: chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Mỗi tòa đều có kiến trúc riêng rẽ nhưng lại kết hợp thành một quần thể.
Chùa Tây Phương tọa lạc trên đỉnh núi Câu Lâu, quy tụ những kiệt tác điêu khắc Phật giáo Việt Nam thế kỷ 18. Đặc biệt, chùa còn nổi tiếng ở bộ tượng thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, có thể coi là Phật điện đông đúc nhất trong các ngôi chùa ở Việt Nam có giá trị tiêu biểu, xuất sắc về tượng gỗ, được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013.
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương. Đây là cơ sở để ngôi chùa nổi tiếng này ngày càng đón nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Nhưng với nhiều người, hẳn vẫn muốn đến vãn cảnh chùa Tây Phương trong êm đềm thanh tịnh; muốn vượt qua 237 bậc đá ong để bước vào cổng chùa, nơi ấy thoang thoảng mùi hoa ngọc lan, hay ngắm nhìn những bông hoa đại vương trên những mái đao chùa cong vút… Và bên trong, là 64 pho tượng có giá trị lịch sử, văn hóa, trong đó phải kể đến bộ tượng 18 vị La Hán được chạm khắc từ thời Tây Sơn. 18 vị La Hán này đã được nhiều người nhớ đến qua bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của nhà thơ Huy Cận: “Các vị La Hán chùa Tây Phương/ Tôi đến thăm về lòng vấn vương…”