Văn Cao, bậc tài danh văn nghệ Việt Nam

Phạm Sỹ 16/11/2023 07:15

Sáng 15/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Danh nhân Văn hóa Văn Cao và Hội thảo “Thân thế sự nghiệp của Văn Cao”.

Các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: P.Sỹ.

Nhạc sĩ Văn Cao (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao), quê gốc thuộc làng An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (nay là làng Nhất Giáp, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị như Tiến quân ca; Chiến sĩ Việt Nam; Tiến về Hà Nội; Ca ngợi Hồ Chủ tịch…

Không chỉ là một nhạc sĩ lớn của dân tộc mà Văn Cao còn là một nhà thơ lớn. Về hội họa, ông được biết đến với những bức tranh minh họa trên báo từ năm 1946. Những bức họa của ông gửi gắm một thông điệp nhân văn, niềm tin vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Không chỉ có tranh minh họa mà Văn Cao còn có những tác phẩm tranh sơn dầu được thể hiện bằng hình thức mới.

Để ghi nhận những đóng góp to lớn của Văn Cao cho đất nước, cho sự nghiệp văn học nghệ thuật, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho ông nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến Hạng nhất; Huân chương Hồ Chí Minh; Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Chí Minh…

Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, Văn Cao là một bậc tài danh của nền văn nghệ Việt Nam hiện đại. Tầm vóc ấy đã được cả dân tộc khẳng định. Anh em bằng hữu, đồng nghiệp thường gọi ông là “Cụ Văn” hay “Cụ Quốc ca”. Tài năng của Văn Cao đặc biệt nhất là việc ông tự tỏa mình vào 3 loại hình nghệ thuật là âm nhạc, thi ca và hội họa. Đặc biệt hơn là trong cả ba loại hình đó, ở loại hình nào cũng thấy bóng dáng của hai loại hình kia. Trong thơ thì thấy ấn tượng của âm nhạc và hội họa. Trong họa thì thấy dạt dào chất nhạc và chất thơ, độc đáo rõ nét là ở trong các bức tranh lập thể . Còn trong nhạc thì cũng thấy trào dâng chất thơ trong ca từ, chất hội họa trong đường nét giai điệu.

Tại hội thảo, họa sĩ Trịnh Yên - Giám đốc Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Việt Nam có bài tham luận “Công trình văn hóa nghệ thuật Văn Cao ở quê hương ông sẽ diễn ra như thế nào?”. Họa sĩ Trịnh Yên cho biết: Đoàn nghiên cứu tư vấn dự án và khoa học tiềm năng của Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức các buổi khảo sát làm việc với lãnh đạo xã Liên Minh (quê hương Văn Cao), làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Vụ Bản, Nam Định thống nhất chủ trương nâng cấp khu tưởng niệm Văn Cao thành Công viên văn hóa nghệ thuật Văn Cao. Đây là cách nhìn chiến lược có quy mô “đón lõng” thời đại công nghiệp hóa du lịch để công trình nghệ thuật Văn Cao chuyển hóa và “lột xác” lên tầm mô hình hóa biểu tượng âm nhạc, thi ca và hội họa của ông sẽ được kết tinh nghệ thuật ở công viên này.

Nhiều đại biểu tham gia hội thảo tán đồng việc xây dựng công trình văn hóa nghệ thuật Văn Cao ở xã Liên Minh (huyện Vũ Bản, tỉnh Nam Định). Theo đó, với cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của Văn Cao, huyện Vụ Bản cần xây dựng một địa điểm du lịch văn học - văn hóa, nghệ thuật mang tầm thời đại. Được biết, nội dung, hình thức, cơ chế hoạt động của “Công viên văn hóa nghệ thuật Văn Cao” đang được một nhóm họa sĩ, kiến trúc sư và những nhà văn hóa có uy tín tham gia thiết kế.

Tại hội thảo, họa sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao hy vọng, khu tưởng niệm Văn Cao tại xã Liên Minh sẽ được nâng cấp trở thành Công viên văn hóa nghệ thuật Văn Cao. Qua đó, không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị nghệ thuật Văn Cao, mà còn góp phần phát triển văn hóa du lịch, kinh tế địa phương.

Được biết, thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 5/5/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Vụ Bản “Xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đất Thiên Bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo”, Đảng bộ xã Liên Minh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết quy hoạch xây dựng Khu tưởng niệm Văn Cao ở chính mảnh đất quê hương ông. Đến nay xã Liên Minh quy hoạch Khu tưởng niệm Văn Cao với diện tích 1,2ha đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng, vận động nguồn xã hội hóa kinh phí xây dựng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn Cao, bậc tài danh văn nghệ Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO