Cùng một loại hàng hóa nhưng có hai hoạt động kiểm tra chuyên ngành, đó là vấn đề được Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị Tổng cục Hải quan sửa đổi khi cho ý kiến đối với Danh mục hàng hóa, thủ tục hành chính về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đưa ra các đánh giá, VCCI dẫn chứng: Theo quy định tại Thông tư 12/2015/TT-BNNPTNT thì các hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu dùng làm thực phẩm nhập khẩu sẽ phải được kiểm tra an toàn thực phẩm. Các loại thực phẩm này được liệt kê trong Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT. Trong khi đó, Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT quy định các loại thực vật nhập khẩu phải được kiểm dịch thực vật. Các loại thực vật này được quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT
Đối chiếu Phụ lục 03 và Phụ lục 05, VCCI nhận thấy, có nhiều loại hàng hóa là giống nhau, có chung mã số HS. Như vậy, sẽ có nhiều loại hàng hóa có nguồn gốc thực vật sẽ phải thực hiện hai lần kiểm tra chuyên ngành. “Điều này sẽ tạo gánh nặng cho DN về thủ tục nhập khẩu”-VCCI chỉ rõ đồng thời đề nghị gộp chung hoạt động kiểm soát về kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực vật đối với các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ thực vật nhập khẩu làm một để đảm bảo doanh nghiệp chỉ phải thực hiện một thủ tục.
Hay như việc xác nhận đơn đăng ký nhập khẩu tự động thuốc lá điếu, xì gà, theo quy định tại Thông tư 37 thì trước khi làm thủ tục nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà, thương nhân phải làm thủ tục để có được xác nhận đơn đăng ký nhập khẩu theo chế độ cấp phép tự động. Tuy nhiên, theo VCCI, việc duy trì loại giấy phép này là không cần thiết, bởi nếu mục tiêu là quản lý thương nhân nhập khẩu thì theo Thông tư 37 “chỉ thương nhân được Bộ Công thương chỉ định mới được phép nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà” và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA) là thương nhân nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà được chỉ định. Như vậy, đối với hoạt động nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà thì ở Việt Nam chỉ có duy nhất VINATABA được phép nhập khẩu, không có thương nhân nào khác được thực hiện hoạt động này. Bản thân việc chỉ định bởi Bộ Công thương đã bảo đảm được mục tiêu kiểm soát thương nhân nhập khẩu này. Do đó VCCI đề nghị, cân nhắc bỏ giấy phép “xác nhận đơn đăng ký nhập khẩu tự động thuốc lá điếu, xì gà”.
Liên quan đến hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu hàng năm do Bộ Công thương phân giao, VCCI cũng đưa ra ý kiến. Để giải quyết vấn đề này thì biện pháp quản lý không thể là tiếp tục áp dụng cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp như trước mà phải là giảm bớt các điều kiện kinh doanh để nhiều chủ thể kinh doanh có thể tham gia vào hoạt động nhập khẩu xăng dầu. Qua đó đảm bảo nguồn cung trên thị trường và sử dụng triệt để công cụ quản lý cạnh tranh để kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp này.
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị bỏ “hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu hàng năm do Bộ Công thương phân giao”.