Văn hóa

Văn chương Việt ‘được mùa’

LAN DUNG 03/03/2024 08:22

Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức trao giải thưởng năm 2023 cho 6 tác phẩm xuất sắc. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao giải cho tác giả trẻ, nhà văn nữ ấn tượng. Một số ý kiến cho rằng, văn học Việt Nam “được mùa”. Điều đó liệu có sát với thực tế?

van-chuong-viet.jpg
Một số tác phẩm mới được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng.

Năm qua, Ban Sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam nhận được 179 tác phẩm của các hội viên trên mọi miền đất nước gửi về dự giải. Từ Hội đồng sơ khảo các chuyên ngành đến Hội đồng chung khảo, cuối cùng có 6 tác phẩm được chọn vào hàng ngũ giải thưởng năm 2023 của Hội.

Theo đó, ở thể loại văn xuôi, 3 tác phẩm được chọn lọc từ 64 tác phẩm tham dự gồm: tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của Nguyễn Một, tập truyện ngắn “Một mùa hè dưới bóng cây” của tác giả Nguyễn Tham Thiện Kế và tiểu thuyết “Tuyệt không dấu vết” của nhà văn Nguyễn Việt Hà.

Ở mảng thơ, có 61 tác phẩm nhưng duy nhất tập “Đồng sen tàn” của Nguyễn Phúc Lộc Thành đạt số phiếu đồng thuận cao, được trao giải. Hội đồng bỏ trống hạng mục văn học dịch, dù nhận được 8 tác phẩm.

Ở mảng văn học thiếu nhi, có 24 tác phẩm, trong đó “Cá Linh đi học” của Lê Quang Trạng được trao giải cao nhất. Hạng mục Lý luận phê bình có 22 tác phẩm được đề cử, hội đồng thống nhất trao giải cho “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” (Phùng Ngọc Kiên chủ biên - Đoàn Ánh Dương).

Ở hệ thống giải thưởng Tác giả trẻ, từ 14 tác phẩm, hội đồng chọn trao giải cho tiểu thuyết giả tưởng “Nhân sinh kép: sống hai cuộc đời” của Đức Anh.

Nhìn nhận chung về hệ thống giải thưởng năm 2023 và Giải thưởng Tác giả trẻ 2023, nhà thơ Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, số lượng tác phẩm tham dự xét giải thường niên về cơ bản vẫn ổn định, có sự phân bố khá đều ở hai thể loại thơ và văn xuôi, lý luận phê bình giảm hơn một chút so với mọi năm.

Tuy nhiên, sự sụt giảm về số lượng đáng kể và đáng để suy nghĩ, phân tích chính là hạng mục giải thưởng Tác giả trẻ.

Nhìn từ kết quả trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam, một số ý kiến cũng nêu ra, rằng năm nay Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cho 3 tác phẩm văn xuôi, điều đó là tín hiệu cho thấy văn học Việt “được mùa”.

Còn bỏ trống trao giải cho văn học dịch thì đồng nghĩa văn học dịch “mất mùa”, dù năm qua hàng trăm tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng và ăn khách trên giới được các dịch giả và các đơn vị xuất bản Việt Nam đã dày công phát hành. Nhận định này không phải không có lý do.

Bởi những “lợn cợn” vẫn còn trong suy nghĩ của nhiều độc giả phổ thông lẫn độc giả tinh hoa. Khi họ đều đã đọc, đã quan sát về các tác phẩm được xướng tên mới đây tại lễ trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2023.

Cũng như, có nhiều tác phẩm dịch “nặng ký” trong năm qua nhưng lại không được lọt vào “mắt xanh” của các nhà văn, nhà phê bình được giao trọng trách “cầm cân nảy mực”.

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương thì bình luận rằng, ở hạng mục văn xuôi, việc Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trao cho 3 tác phẩm của 3 tác giả với 3 phong cách khác nhau, 3 quan niệm nghệ thuật khác nhau cho thấy tinh thần phóng khoáng trong nhìn nhận, chấp nhận mọi khuynh hướng, phong cách nghệ thuật; đồng thời gợi lại không khi văn chương ở mùa trao giải 33 năm trước (năm 1991) khi vinh danh 3 tiểu thuyết của 3 nhà văn là: “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, và “Bến không chồng” của Dương Hướng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn chương Việt ‘được mùa’