Ván đấu cuối cùng của Donald Trump và Hillary Clinton

Linh Chi 06/11/2016 09:30

Hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton sau nhiều tháng bị khóa trong một cuộc tranh giành lá phiếu kịch liệt đã khép lại tuần cuối cùng chiến dịch tranh cử của mình trong khi cuộc bầu cử Tổng thống được bàn luận nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ đã đến gần.

Ván đấu cuối cùng của Donald Trump và Hillary Clinton

Cuộc đua kịch tính giữa Hillary Clinton và Donald Trump sắp đi đến hồi kết (Nguồn: AP).

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hiện đã ở tuần cuối cùng, thời điểm mà cả hai ứng viên tung ra những đòn công kích chí mạng nhất về phía nhau để có thể trở thành người kế nhiệm của Tổng thống Barack Obama.

Người dân Mỹ sẽ tiến hành bầu ra vị Tổng thống đời thứ 45 của họ vào ngày 8/11 tới đây, và tất cả những gì chúng ta cần biết là diễn biến sự kiện chính trị lớn nhất năm ở thời điểm hiện tại.

Kịch tính tới phút chót

Trong suốt năm vừa qua, ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã dần dần rút ngắn khoảng cách với đối thủ Hillary Clinton một cách ngoạn mục, từ một kẻ bị coi là “người ngoài” trở thành ứng viên đại diện một đảng lớn và rồi trở thành đối thủ đáng gờm của một người dầy bản lĩnh chính trị như bà Clinton khi ngày bầu cử chính thức đã cận kề.

Thế nhưng cơ hội để hiện thực hóa giấc mơ Tổng thống của nhà tài phiệt địa ốc này dường như trở nên cực kỳ mong manh sau sự trỗi dậy của hàng loạt các bình luận gây tranh cãi mà ông từng đưa ra về phụ nữ và các cáo buộc về tấn công tình dục trước đây cứ nối đuôi nhau đổ về. Sự việc đã giúp cho đối thủ của ông có lúc đã dẫn trước tới 9 điểm trong trung tuần tháng 10 vừa qua.

Tuy nhiên, ứng viên Đảng Dân chủ cũng không được "xuôi chèo mát mái" khi phải trải qua cả một tuần đầy các sự kiện thảm họa, đáng chú ý nhất là việc FBI tuyên bố sẽ lật lại vụ điều tra liên quan tới bê bối sử dụng email cá nhân của bà. Hậu quả của bê bối bom tấn đến từ quyết định của FBI là cực kỳ lớn.

Một cuộc thăm dò dư luận của hãng ABC/Washington Post tổ chức ngay sau đó cho thấy Doanld Trump, mới chỉ cách đó một tuần lễ còn bị tụt hậu đến 12 điểm, thì giờ đã vượt lên dẫn trước bà Clinton dù chỉ là 1 điểm mong manh.

Các lá phiếu thăm dò công bố mới đây cho thấy Donald Trump đã rút ngắn khoảng cách với đối thủ và hiện đang có tỷ lệ ủng hộ “ngang cơ” với bà Clinton: 45%/45%. Tuy nhiên, bà Clinton vẫn là ứng viên được yêu thích hơn trên các website cá cược, với tỷ lệ cược 4/11 so với tỷ lệ 2/1 của ông Trump.

Tuy nhiên, thời điểm mà người ta coi chiến thắng của bà Clinton điều chắc chắn đã qua đi, bởi lúc đó sự kiện Brexit-Anh rời khỏi EU chưa xảy ra và dự kiến mang tới sự ảnh hưởng sâu rộng; vậy nên dù có dẫn trước Donald Trump thì bà Clinton vẫn có khả năng bị đánh bại.

Trước thềm ngày bầu cử chính thức, ngày càng có nhiều quan ngại rằng bầu cử Mỹ sẽ ra một kết quả khó lường giống như cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ở Anh về Brexit, khi những “cử tri không lộ diện” cuối cùng quay sang ủng hộ Anh rời khỏi EU. Điều này khiến cho một số chuyên gia tin rằng, Donald Trump có thể giành chiến thắng chung cuộc nhờ vào cộng đồng những người ủng hộ chưa lộ diện.

Ván đấu cuối cùng của Donald Trump và Hillary Clinton - 1

Kết quả thăm dò tỷ lệ ủng hộ của hai ứng viên thực hiện ngày 4/11 (Nguồn: CNN).

Kết quả sít sao

Tuy nhiên, hệ thống bầu cử Tổng thống Mỹ lại vận hành theo một cách rất khác biệt. Người đắc cử không phản ánh được số lá phiếu mà họ nhận được từ các thành viên Quốc hội hay không cần thiết phải là ứng viên giành được nhiều sự ủng hộ từ công chúng hơn.

Mỗi bang trong tổng số 50 bang của nước Mỹ cũng như khu vực Columbia đều có những lá phiếu đại cử tri mà mỗi ứng viên cần phải giành lấy. Số lượng lá phiếu dựa trên số lượng thành viên của Quốc hội ở mỗi bang, nhiều hay ít là tùy vào dân số của bang đó.

Tất cả các bang của nước Mỹ trừ Maine và Nebraska đều áp dụng hình thức “người thắng cuộc lấy tất cả”, tức ứng viên thắng ở một bang sẽ giành được tất cả lá phiếu đại cử tri của bang đó. Điều này đồng nghĩa với việc giành chiến thắng ở các bang có dân số đông như California, New York, Texas và Florida…là hết sức quan trọng.

Cuộc bầu cử Tổng thống gần đây nhất đã chứng minh điều này một cách rõ ràng nhất khi ông Obama giành được 53% tổng số phiếu, nhưng đã giành tới 68% số phiếu đại cử tri nhờ chiếm được các bang chủ chốt này.

Doanld Trump và Hillary Clinton sẽ sớm lao vào cuộc chiến giành lá phiếu và ai đạt được 270 lá phiếu đại cử tri sớm hơn sẽ trở thành tân Tổng thống Mỹ.

Các bang giao động quyết định cuộc chơi

Một nhân tố không kém phần quan trọng trong cuộc đua này chính là cái gọi là “bang giao động”, tức một bang có tỷ lệ người dân ủng hộ một ứng viên sít soát với tỷ lệ của ứng viên còn lại trong khi vẫn còn nhiều cử tri chưa quyết định sẽ nghiêng về bên nào.

Bang Ohio là một ví dụ điển hình của bang giao động bởi bất cứ ứng viên nào giành chiến thắng chung cuộc trong bầu cử Tổng thống đều phải giành được bang quan trọng này, điều đó luôn đúng kể từ năm 1964 khi Lyndon B. Johnson trở thành Tổng thống, kế vị John F. Kennedy sau khi ông này bị ám sát một năm trước đó.

Để hiểu rõ rằng cuộc đua vào Nhà Trắng hiện nay đang gay cấn đến mức nào, người ta cần biết rằng bang ở khu vực Trung Tây nước Mỹ này vẫn đang giao động và chưa hề nghiêng theo một ứng viên nào. Nhưng theo giới chuyên gia, với cộng đồng dân cư da trắng đông đảo ở Ohio, chiến thắng ở bang này rất dễ nằm trong tay Donald Trump.

Ngoài ra, cựu Đệ nhất phu nhân Clinton có thể nổi tiếng ở nhiều nước nhưng lại không nổi tiếng đến vậy ở nước Mỹ, trong khi tỷ phú Donald Trump cũng vậy bởi trước đó chưa ai từng biết ông như một chính trị gia. Do vậy mà kết quả các cuộc thăm dò dư luận thời gian gần đây trở nên sít sao đến vậy.

Kiểu tranh luận đầy tính chiến đấu và các chính sách kiểu khiêu khích của ông trong suốt khoảng thời gian tranh cử được coi là “độc nhất” trên chính trường Mỹ, phá vỡ mọi nguyên tắc tranh cử từ trước đến nay. Điều này khiến cho hàng loạt các vụ tranh cãi liên tục trỗi dậy trong chiến dịch tranh cử của ông, mà mới nhất là vụ phanh phui đoạn băng ông nói về việc sàm sỡ phụ nữ một cách công khai khiến ông mất đi nhiều nhóm cử tri quan trọng.

Về phần mình, bà Clinton từ lâu đã bị phần đông người dân Mỹ coi là một người không trung thực. Khi FBI hồi tuần trước bất ngờ tuyên bố sẽ lật lại vụ điều tra bê bối email cá nhân của bà, công chúng Mỹ lại được nhắc nhở về mặt xấu của bà Clinton. Sự kiện bom tấn đó là một đòn chí mạng đối với chiến dịch tranh cử của bà Clinton. Các cuộc thăm dò sau đó đều cho thấy bà đã bị đối thủ thu hẹp khoảng cách một cách đáng kể.

Nước Mỹ và cả thế giới sẽ không thể đoán trước được kết quả bầu cử mà phải chờ tới ngày 8/11 tới đây, nhưng có một điều mà người ta đã chắc chắn: Đây là kỳ bầu cử gây tranh cãi nhất, khó đoán nhất và thu hút được sự chú ý nhiều nhất trong lịch sử của nước Mỹ.

Cuộc thăm dò của hãng Reuters/Ipsos công bố hôm 4/11 ước tính tỷ lệ giành đủ 270 lá phiếu đại cử tri của bà Hillary Clinton trong ngày bầu cử sắp tới là khoảng 90%, tức giảm 5% so với tuần trước. Trong khi đó, Donald Trump đã lấy lại động lực mạnh mẽ vào thời khắc cuối trước ngày bầu cử.

Ngày 8/11 tới, hơn 100 triệu cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tìm ra vị tổng thống thứ 45 của nước này. Tuy nhiên, lá phiếu mà họ bỏ chỉ là lá phiếu phổ thông, không trực tiếp bầu ra ai sẽ là tổng thống mà chỉ bầu các đại cử tri đại diện ở bang mình. Để trở thành tổng thống, một ứng viên cần tối thiếu 270 phiếu đại cử tri.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ván đấu cuối cùng của Donald Trump và Hillary Clinton