Ngày 18/10, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức buổi tọa đàm “Bàn giải pháp tuyên truyền vận động đồng bào tín ngưỡng, tôn giáo không đốt, rải vàng mã trong việc tang, lễ hội trên địa bàn TP HCM”.
Theo UB MTTQ TP, kinh nghiệm tuyên truyền vận động phật tử suốt 20 năm “nói không” với việc đốt vàng mã của Chùa Liên Hoa, quận 11; hay các điển hình khác như: Chùa Giác Nguyên, quận 4; chùa Thiên Tôn, quận 5 và chùa Hải Quang, quận Tân Bình… đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Ở các chùa này, phật tử đến chỉ thắp nhang và gửi tiền làm từ thiện, giúp đỡ những người cơ nhỡ, khó khăn với số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm…
Tuy nhiên, tình trạng đốt, rải vàng mã trong việc tang và lễ hội ở một số quận, huyện vẫn còn khá phổ biến, gây mất vệ sinh môi trường, mất an toàn giao thông và nguy cơ xảy ra hoả hoạn. Theo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP HCM, riêng năm 2017, trên địa bàn TP có gần 10 vụ cháy do đốt vàng mã gây ra, làm 20 người thiệt mạng và nhiều người bị thương…
Nhằm hạn chế tác động tiêu cực trên, UB MTTQ TP HCM đề xuất nghiên cứu biện pháp ràng buộc trách nhiệm của các cơ sở dịch vụ mai táng trong việc nhắc nhở, cam kết với người dân không được rải vàng mã trên đường, góp phần xây dựng TP HCM văn minh, sạch đẹp, an toàn.
Tại toạ đàm, đa số các đại biểu cho rằng thực tế hiện nay tại TP vẫn còn tập quán như: đốt nhiều đồ mã, rắc rải vàng mã và tiền trên đường đưa tang, khóc thuê, hát nhạc ầm ĩ, để thi hài quá lâu, xây dựng mồ mả phô trương...
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo trường đại học Khoa học Xã hội nhân văn TP HCM Dương Hoàng Lộc, cho rằng: Trên thực tế cuộc sống cũng khó để thực thi nhưng đây là một kiến nghị nhân văn vì xã hội, vì cộng đồng, cái gì có lợi cho cuộc sống, có lợi cho dân, thì dân sẽ ủng hộ. “Việc đốt vàng mã thuộc về vấn đề văn hóa, tập tục truyền thống lâu đời, đã ăn sâu vào trong người dân. Vì vậy chúng ta phải tuyên truyền, vận động người dân thấy việc đốt vàng mã là không phù hợp với lối sống văn minh hiện nay”- ông Dương Hoàng Lộc nhấn mạnh.
Chủ tịch UB MTTQ TP Tô Thị Bích Châu cũng cho rằng, có cầu thì mới có cung, vì vậy bên cạnh việc tuyên truyền bỏ đốt vàng mã thì cần giúp các hộ dân mưu sinh bằng nghề sản xuất vàng mã chuyển đổi ngành nghề. Bà Châu đề nghị Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cần hướng dẫn, giải thích cũng như động viên họ chuyển đổi ngành nghề, đó mới là giải pháp quan trọng. Chúng ta vừa vận động vừa có giải pháp hiệu quả thì dân mới tin, thực hiện theo mình.