Mặt trận

Văn hóa cổng làng dần thay bằng văn hóa cổng vào Internet

Nguyễn Hoài 18/10/2024 09:23

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, trong thời đại toàn cầu hóa, những giá trị của văn hóa cổng làng đã dần thay bằng văn hóa cổng vào Internet. Những phong tục tập quán ngàn đời, giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước những sự biến đổi và thách thức.

Góp ý vào Báo cáo chính trị trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã đóng góp tham luận với nội dung "Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nhìn từ văn hóa cổng làng".

Bà Thuý cho biết, nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ TP HCM triển khai hiệu quả, sáng tạo mô hình khu dân cư “đoàn kết - nghĩa tình - tự quản”, nhằm phát huy những yếu tố đặc thù về văn hóa, xã hội của TP HCM, với phương châm khu dân cư vững mạnh là cơ sở, nền tảng và là động lực để xây dựng thành phố phát triển. Những kết quả đạt được thời gian qua cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng các khu dân cư tự quản không chỉ đơn thuần là một phong trào mà còn là một quá trình tạo dựng môi trường sống bền vững và gắn kết cộng đồng.

cThuy gửi
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM phát biểu tham luận tại Đại hội.

Nền văn hoá hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam đã khẳng định làng xã là tổ chức cộng đồng khép kín. Đình làng thờ thành hoàng, tổ chức lễ hội. Lũy tre và cổng làng là điển hình cho hình ảnh biên giới của xóm làng với những luật lệ riêng. Và văn hoá từng gia đình, dòng tộc cũng đóng góp phong phú thêm truyền thống làng xã.

Những phong tục, tập quán từ đời này truyền sang đời khác. Sau lũy tre làng chứa đựng những điều tốt đẹp trong văn hoá truyền thống. Mỗi người Việt Nam được sinh ra trong cái nôi bản sắc văn hóa làng xã, phải chăng đó là triết lý cho sự phát triển của đất nước với nền tảng là những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Tuy nhiên theo bà Thuý, trong thời đại toàn cầu hóa, những giá trị của văn hoá cổng làng đã dần thay bằng văn hoá cổng vào internet, những phong tục tập quán ngàn đời, giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước những sự biến đổi và thách thức.

Văn hoá cộng đồng với biểu tượng lũy tre đan xen, gốc vững vàng nhưng thân cành uyển chuyển ở vùng nông thôn để nói lên hình ảnh “lệ làng”, tính tự quản ở mỗi thôn, ấp, khu dân cư chính là phên, giậu để bảo vệ cộng đồng dân cư đang cần được quan tâm củng cố, tăng cường.

Đứng trước yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, mở rộng không gian đô thị thì môi trường sống, tài nguyên thiên nhiên, đất trồng trọt, làng mạc dễ bị tổn thương… Và những giá trị văn hoá vốn là chất keo bền chặt gắn kết các thế hệ trong gia đình và làng xóm với nhau, đã dần mai một.

Bà Thuý cho rằng, hơn lúc nào hết, những giá trị văn hoá quý báu của dân tộc như lòng yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái, năng động, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn… được quan tâm vun đắp và phát huy mạnh mẽ như giai đoạn hiện nay.

Đất nước đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới, yếu tố văn hóa không thể tách rời và phải là cái nôi để phát triển. Phía sau những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là tâm hồn người Việt Nam yêu quê hương, đất nước, tình đoàn kết xóm làng tối lửa tắt đèn có nhau, không quên cội nguồn; sự tôn trọng, yêu thương, chia sẻ giữa các thế hệ trong gia đình, dòng họ.

Những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy là cội nguồn sức mạnh của dân tộc ta từ hàng ngàn năm nay đến nay vẫn còn những giá trị to lớn, mang tính cốt lõi trong xây dựng nền tảng văn hoá xã hội. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững, mối quan hệ máu thịt và niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường.

Theo bà Thuý, mô hình khu dân cư “đoàn kết - nghĩa tình - tự quản” tại TP HCM đã phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc giám sát, phối hợp cùng chính quyền địa phương; góp phần giữ gìn các giá trị văn hoá đặc sắc của từng vùng, từng cộng đồng dân cư thông qua các phong trào thiết thực để phát huy sức dân để tạo nên một môi trường sống lành mạnh, an toàn và văn minh.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP HCM cho rằng, những việc làm hết sức cụ thể trong từng cộng đồng dân cư ấy cần được sớm đánh giá và tổng kết để hướng dẫn xây dựng mô hình chung, nhân rộng nhằm thể hiện khát vọng chung tay giữ gìn các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, hình thành sức đề kháng hữu hiệu cho mỗi cộng đồng dân cư, tạo nên sức mạnh nội sinh của cả dân tộc, là nền tảng quý báu trong xây dựng và phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa cổng làng dần thay bằng văn hóa cổng vào Internet