Văn hóa kinh doanh trong dòng chảy hội nhập

Phạm Sỹ 11/08/2023 07:00

Văn hóa doanh nghiệp được coi như yếu tố then chốt tạo ra một môi trường làm việc tích cực, tăng năng suất và khả năng sáng tạo của nhân viên, xây dựng niềm tin và thân thiện với khách hàng. Từ đó tăng cường giá trị thương hiệu và đạt được sự thành công trong kinh doanh.

Văn hóa doanh nghiệp làm nên cốt cách của doanh nghiệp. Nguồn: HBR Businness.

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều. Doanh nghiệp (DN) ngày càng chú trọng đến xây dựng văn hóa DN, đạo đức kinh doanh và thực hiện trách nhiệm xã hội, đồng thời hỗ trợ cộng đồng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Là đơn vị nhiều năm liên tiếp được đánh giá có môi trường làm việc tốt, bà Hà Thu Hương - Trưởng phòng Quản trị Thương hiệu của Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ, văn hóa DN Viettel được xây dựng nhằm tạo sự khác biệt, sức mạnh cạnh tranh trên thị trường với việc xác định sứ mệnh “Sáng tạo vì con người”, triết lý “Kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội”, chuẩn mực “người Viettel” và bộ quy tắc ứng xử.

Đại diện nhiều DN khi chuẩn bị tham gia diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với DN” cho rằng, văn hóa kinh doanh là một thành tố quan trọng của năng lực cạnh tranh, là thứ duy nhất còn sót lại khi gặp khủng hoảng. Bất cứ DN làm kinh tế đều mong tạo ra lợi nhuận, tuy nhiên hiện thực hóa khát vọng làm giàu nhưng không được chà đạp lên mọi giá trị, vì hoạt động kinh doanh còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật và văn hóa. Văn hóa kinh doanh có thể sẽ không giúp DN tạo ra lợi nhuận ngay tức thì, nhưng đây sẽ là nền tảng giúp DN phát triển bền vững.

Các chuyên gia văn hóa nhận định, văn hóa DN đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của DN, tạo ra sự phát triển ổn định, bền vững cho DN, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu của DN; tạo động lực làm việc, thúc đẩy tính sáng tạo của các thành viên, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Ông Hồ Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa DN Việt Nam cho rằng, để xây dựng văn hóa DN cần có một quá trình lâu dài, sự thay đổi từ nhận thức đến hành động và cần coi đó là sự nghiệp, thành tựu của DN. Để nâng cao nhận thức của cộng đồng DN Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/11 là ngày Văn hóa DN Việt Nam. Đồng thời phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa DN Việt Nam với 5 nội dung quan trọng: Thượng tôn Pháp luật; Đạo đức Kinh doanh; Cạnh tranh lành mạnh; Trách nhiệm với xã hội và môi trường; Xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động.

Trong thời kỳ hội nhập, DN Việt Nam cần tuân thủ các tiêu chí văn hóa kinh doanh phù hợp với giao thương quốc tế để phát triển kinh doanh ra thị trường toàn cầu. Trong tình hình hiện nay, việc xác định sứ mệnh của DN Việt Nam là đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu là vô cùng quan trọng.

Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Văn Thuần khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa DN đối với sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa DN ngày càng được khẳng định và triển khai ở nhiều cấp, với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thực tế cho thấy các công ty, tập đoàn thành công đều xây dựng được nền văn hóa DN rất thành công.

Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, thành công của các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như Samsung cũng có giá trị cốt lõi là văn hóa kinh doanh và điều đó luôn được lan tỏa. Các DN Việt Nam nên chú trọng áp dụng văn hóa kinh doanh của các DN thành công.

Theo các chuyên gia, các DN cần phải đầu tư thực sự vào xây dựng văn hóa DN, từng bước hiện thực hóa trong thực tiễn hoạt động, phát huy ý thức tự giác và nỗ lực phấn đấu của đội ngũ nhân viên. Trong công cuộc xây dựng văn hóa DN, chỉ có lãnh đạo DN mong muốn là chưa đủ, mà còn rất cần sự nỗ lực thực thi văn hóa DN của từng nhân viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa kinh doanh trong dòng chảy hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO