Xả rác bừa bãi nơi công cộng; đua xe, lạng lách; văng tục, chửi thề; chen lấn, xô đẩy khi tham gia các dịch vụ công cộng; phá hoại, bôi bẩn các công trình công cộng;…là những hình ảnh xấu xí của không ít người trẻ hiện nay, và trở thành nỗi trăn trở của nhiều lãnh đạo TP HCM trong quá trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Người trẻ nên chú ý đến văn hóa ứng xử nơi công cộng.
Ngày 29/3, tại Hội trường TP HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP phối hợp cùng Thành đoàn TP tổ chức buổi tọa đàm “Văn hóa ứng xử của người trẻ nơi công cộng”, với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu là các nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội, đại diện các cơ quan đoàn thể, sinh viên, học sinh và giới văn nghệ sĩ thành phố.
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Hồng Sơn – Bí thư Thành đoàn TP HCM cho biết, các cuộc khảo sát về văn hóa ứng xử của người trẻ nơi công cộng đang cho thấy ý thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay là rất kém, thể hiện hình ảnh xấu xí, rất đáng lên án. Chẳng hạn, vẫn còn nhiều hình ảnh nhức nhối, như: xả rác bừa bãi nơi công cộng; đua xe, lạng lách; văng tục, chửi thề; chen lấn, xô đẩy khi tham gia các dịch vụ công cộng; phá hoại, bôi bẩn các công trình công cộng;…
Theo ông Sơn, mạng xã hội ngày càng đi sâu vào cuộc sống của thanh niên, với xu hướng gắn kết nhu cầu cá nhân với công nghệ mới. Trong cuộc khảo sát mới đây của Ban tổ chức cho thấy 97,8% được hỏi sử dụng Facebook, 79,9% sử dụng Youtube và 76,3% sử dụng ứng dụng Zalo;… “Cùng với những mặt tích cực, nhưng mạng xã hội cũng là môi trường thuận lợi để các thông tin xấu độc, gây hại, những phát ngôn vô trách nhiệm, đả kích cá nhân ngày càng nở rộ, với các mức độ tác động đến xã hội ngày càng nghiêm trọng”- Bí thư Thành đoàn TP HCM chia sẻ.
Khảo sát xã hội “Nhận diện xu hướng lựa chọn giá trị sống của thanh niên tại TP HCM” còn cho thấy những con số đáng báo động khi mỗi bạn trẻ sử dụng mạng xã hội trung bình trên dưới 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Sẽ không khó để bắt gặp những status (dòng trạng thái) có nội dung than thân, trách phận, buồn đời, ngán học, thấy cô đơn, muốn đi chơi,..trên các tài khoản facebook.
“Nếu nhìn qua thì đa phần các trào lưu có vẻ như là một hoạt động giải trí và vô hại, tuy nhiên điều gì sẽ ẩn sau những cuộc tập trung đông người? Các vấn đề an ninh an toàn cho người tham gia? Các thông tin cá nhân trên mạng xã hội bị lợi dụng, lừa đảo; những group, những hội nhóm trên mạng xã hội với nội dung chủ quan, thiên kiến, tạo ra cái nhìn phiến diện của một bộ phận giới trẻ về các vấn đề văn hóa, xã hội…”- ông Dương Trọng Phúc, Phó GĐ Nhà văn hóa Sinh viên TP HCM bày tỏ lo lắng.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, chủ nhiệm đề tài về “Nhận diện xu hướng chọn giá trị sống của thanh niên tại TP.HCM” cho rằng, có một thực tế là một bộ phận khá lớn giới trẻ hiện nay muốn cá nhân hóa bản thân trên mạng xã hội, muốn họ là duy nhất, là đặc biệt, là độc đáo, có xu hướng muốn bứt ra khỏi những không gian truyền thống để hòa nhập vào với những trào lưu hiện hữu.
Nhà nghiên cứu này cũng bày tỏ lo lắng, khi sự ăn theo, bắt chước theo các trào lưu đang khiến giới trẻ dành quá nhiều thời gian vô bổ trong một ngày. Bởi vì, tính chất của trào lưu là lan tỏa nhanh, nhưng cũng nhanh mất đi.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, cô giáo trẻ Phan Thị Mộng Thu bày tỏ sự thất vọng khi hàng ngày phải chứng kiến nhan nhản những hình ảnh phản truyền thống “tôn sư trọng đạo” lâu nay trong môi trường giáo dục. Đó là những hành vi trò cãi lại thầy cô; nói chuyện riêng, làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong giờ học; thậm chí là cự cãi, hành hung, xúc phạm nhà giáo ngay tại lớp học;…
“Nhiều khi các em lên mạng xã hội Facebook, Zalo… sẵn sàng chia sẻ những status đối với người đã dạy dỗ mình rất khiếm nhã, không muốn nói là thiếu văn hóa”- cô Phan Thị Mộng Thu chia sẻ.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý cũng bày tỏ, đã đến lúc cần phải đặc biệt quan tâm đến văn hóa ứng xử của người trẻ nơi cộng cộng, không chỉ để định hướng tích cực cho họ, mà còn tạo một nền tảng tương lai vững chắc, đủ khả năng hội nhập, văn minh cho các em…