Thời gian qua, nhiều nhà xuất bản đã mạnh dạn đầu tư, tạo dựng diện mạo mới cho tác phẩm văn học thiếu nhi, đem đến trải nghiệm đọc sách không giới hạn cho các em nhỏ thông qua các cuốn sách lật mở, sách có mùi hương, sách chuyển động đa ngữ... Tuy nhiên, để mảnh đất văn học thiếu nhi thực sự phát triển, còn nhiều việc phải làm.
Đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức
Với dòng chảy phát triển của văn học Việt Nam, mảng văn học thiếu nhi là những “viên gạch” quan trọng góp phần trong việc nuôi dưỡng, nâng đỡ tâm hồn, hướng các em nhỏ tới những điều đúng đắn và thiện lương. Trong những năm qua, những cuộc thi, giải thưởng đã mang đến cho văn học thiếu nhi nhiều “mảng màu” tươi mới. Ở đó các phẩm văn học dành cho thiếu nhi không chỉ tăng cả về số lượng và chất lượng, mà còn phong phú và đa dạng cả nội dung lẫn hình thức.
Mới đây Giải thưởng Dế mèn lần 4 đã công bố danh sách 10 tác phẩm lọt vòng chung khảo đã cho thấy mảng đề tài này luôn là “mảnh đất” màu mỡ, luôn dành được sự quan tâm của các nhà văn, tác giả. Đặc biệt, trong Top 10 chung khảo năm nay đã xuất hiện 2 tác giả nhí với những tác phẩm được đánh giá cao về tài năng với những phẩm chất sáng tạo chuyên nghiệp sớm được bộc lộ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, sau một thời gian trống vắng, giờ đây, văn học cho thiếu nhi đã có sự khởi sắc. Hầu hết nhà văn đều có tác phẩm viết cho thiếu nhi. Có những nhà văn dành trọn cuộc đời để viết cho trẻ em. Và ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt nhỏ tuổi tham gia sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhi.
Cũng theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, những năm nay gần đây rất nhiều giải thưởng văn học dành cho thiếu nhi được tổ chức, các đề án lớn cũng đang được xây dựng. Đó là đề án giải thưởng văn học thiếu nhi của Bộ VHTTDL, hay tầm nhìn, mục tiêu hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam. Hội Nhà văn cũng đang xây dựng đề án với nhiều hoạt động hướng tới phát triển văn học trẻ thông qua các trại sáng tác, tổ chức cuộc thi, giải thưởng văn học thiếu nhi…
Không chỉ thành công từ những cuộc thi, sự phát triển của văn học thiếu còn được thể hiện rõ nét bởi sự liên kết, chung tay của các nhà xuất bản. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng cho biết, hoạt động xuất bản sách cho thiếu nhi thời gian qua khá sôi động với những dòng sách hay, đẹp và có sức hấp dẫn với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi. Hiện có trên 20 nhà xuất bản và doanh nghiệp tham gia xuất bản sách thiếu nhi. Các nhà xuất bản và đơn vị làm sách đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để tạo ra những cuốn sách, bộ sách đủ sức cuốn hút các em nhỏ với những nội dung, hình ảnh kích thích các giác quan và trí tưởng tượng, khơi dậy niềm đam mê của trẻ em. Cũng theo ông Lê Hoàng, nhiều cuốn sách, bộ sách đã gây ấn tượng với sự phong phú về đề tài, hấp dẫn về hình thức và đi vào sở thích, thị hiếu của các em nhỏ. “Nhiều nhà xuất bản đã mạnh dạn đầu tư, tạo dựng diện mạo mới cho tác phẩm văn học thiếu nhi, đem đến trải nghiệm đọc sách không giới hạn cho trẻ thông qua các cuốn sách lật mở, sách có mùi hương, sách chiếu bóng, sách chuyển động đa ngữ…” - ông Lê Hoàng nhận định.
Tìm chỗ đứng ngay tại “sân nhà”
Trong thời đại công nghệ, sự đa dạng của các tác phẩm văn học thiếu nhi không chỉ góp phần lan tỏa văn hoá đọc mà còn là những “liều thuốc” quý cho các em nhỏ, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, có thực tế là, cả chất và lượng của tác phẩm văn học thiếu nhi của chúng ta so với việc “nhập khẩu” các tác phẩm của nước ngoài vẫn có một khoảng trống cần lấp đầy. Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chúng ta đang ồ ạt dịch sách thiếu nhi nước ngoài, nhưng nếu không cẩn trọng, các em nhỏ đọc quá nhiều sách dịch sẽ có những giấc mơ khác của người Việt.
Dưới góc độ một người làm sáng tác, nhà văn trẻ Phát Dương cho rằng, cái khó của việc viết cho thiếu nhi không nằm ở đề tài, mà ở việc đưa thông điệp vào tác phẩm ra sao. “Phải làm sao để tạo ra một tác phẩm có dấu ấn, chứ không phải là một tác phẩm trong thị trường bão hòa, rồi mất hút. Đặc biệt là làm sao để thể hiện tinh thần Việt, chất Việt ở tác phẩm đó” – nhà văn Phát Dương chia sẻ quan điểm.
Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên cũng cho rằng, sách văn học thanh thiếu nhi Việt Nam đang gặp khó khăn vì phải cạnh tranh nhiều với các loại hình giải trí khác và cả sách dịch. Gần đây đã có một số giải thưởng văn học thiếu nhi, động viên tác giả và đơn vị xuất bản, nhưng giải thưởng về chuyên môn chưa phải là sự bảo chứng để sách phát hành tốt. Số đầu sách chưa nhiều, số lượng bản in còn khiêm tốn…
Thực tế cho thấy, con đường phát triển văn học thiếu nhi tại Việt Nam vẫn còn khá nhiều chông gai. Để văn học thiếu nhi nước nhà tìm được chỗ đứng ngay trên “sân nhà” cần có sự tham gia của nhiều bên như phát huy vai trò của thư viện, xây dựng tủ sách chất lượng trong gia đình và cộng đồng, tạo thói quen và kỹ năng đọc sách cho trẻ, xây dựng văn hóa đọc; xây dựng “hệ sinh thái” tác giả viết cho thanh thiếu nhi và thiếu niên, giúp các tác giả kết nối với bạn đọc để các em có thể đưa ra ý tưởng “đặt hàng” sách và tủ sách của chính mình.
Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng, để nâng cao chất lượng sách thiếu nhi, đòi hỏi các nhà xuất bản phải không ngừng nỗ lực tìm kiếm, đặt hàng những tác giả viết hay với nhiều ý tưởng mới, sáng tạo. Đồng thời cần phải hướng tới phát triển các dòng sách đẹp, hiện đại như artbook (sách tranh), pop-up (sách 3D, dựng hình), sách đa phương tiện (sách chuyển động, sách nói, sách song ngữ kèm phần đọc)… để có thể hấp dẫn các thế hệ độc giả nhỏ tuổi.