Nhiều khảo sát gần đây cho thấy số lượng các dự án chung cư tại Hà Nội mở bán rất ít, trong khi mức giá lên cao. Căn hộ chung cư khoảng 25 triệu đồng/m2 đã bị coi là “tuyệt tự”. Trong khi một căn hộ mức giá ấy một năm trở về trước thì tới nay đều đã lên từ 40-45 triệu đồng/m2.
Nhưng, căn hộ chung cư giá như vậy cũng chỉ thấy ở khu Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Còn hầu hết các nơi, giá đều tăng vọt. Cụ thể, trên đường Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội), một dự án chung cư được môi giới đưa ra mức giá từ 80 triệu đồng/m2. Căn hộ 1 phòng ngủ ở dự án này lên tới 4 tỷ đồng, còn các căn từ 100m2 trở lên, giá đều trên 10 tỷ đồng. Tương tự, với một dự án trên đường Lê Văn Lương - con đường nhồi nhét chung cư nhiều bậc nhất Hà Nội thì đa số cũng có giá trên dưới 80 triệu đồng/m2.
Giá thấp nhất các dự án quanh khu vực này cũng được rao bán 60 triệu đồng/m2.
Thật đáng ngại là các dự án chung cư khá xa trung tâm như Hoài Đức, Nam Từ Liêm hay Gia Lâm cũng có mức giá cao, phổ biến trên 50 triệu đồng/m2.
Nói như ông Kiệt Võ - Giám đốc, Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam thì tại Hà Nội, căn hộ giá thấp từ cuối năm 2021 đã hoàn toàn “biến mất”. Giá bán trên thị trường sơ cấp quý II/2022 được ghi nhận trung bình ở mức 1.872 USD/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), cao hơn 27% so với mức giá cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nguồn cung mở bán mới trong năm 2022 đạt khoảng 20.000-22.000 căn, thấp hơn so với mức dự báo trước đây.
Trong bối cảnh đó, đáng chú ý, theo bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, thị trường căn hộ Hà Nội đang lại ở trong tình trạng thanh khoản kém, khi mà mức giá đặt ra quá cao, vượt xa khả năng chi trả của người dân.
Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, thì “các doanh nghiệp có đất và triển khai dự án cùng môi giới bất động sản (BĐS) tha hồ “làm giá”. Các dự án vốn dĩ có mức giá trung bình trở thành cao cấp. Còn các dự án có vị trí tốt, nghiễm nhiên sở hữu mức giá “trên trời”. Điều này cho thấy, thị trường BĐS hiện tại là sân chơi chỉ dành cho người giàu. Người bình thường, người thu nhập thấp khó có thể tiếp cận”.
Trong khi đó, Báo cáo đánh giá thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2022 của Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, nguồn cung mới của tất cả các phân khúc trong 6 tháng đầu năm đều hạn chế, giá bán BĐS tiếp tục tăng mạnh từ đất nền đến căn hộ, biệt thự… Còn theo Datxanh Services, thì trong quý II/2022, Hà Nội chỉ có khoảng 3.400 sản phẩm mới được bổ sung vào thị trường, giảm 28%. Nguồn cung sơ cấp cũng giảm 43% so với cùng kỳ năm trước, với 7.700 sản phẩm.
Một báo cáo nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng BĐS Việt Nam gần đây cho thấy, 92% người được hỏi đang có ý định mua nhà đất, hơn 75% chủ sở hữu BĐS muốn mua thêm một sản phẩm BĐS ngoài BĐS hiện tại. Nguyên nhân được cho rằng do tốc độ gia tăng dân số, đô thị hóa, tìm nhà đất thuận tiện cho công việc... đang diễn ra ngày một gay gắt hơn. Đáng chú ý, trong khi đó phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp được cấp phép mới rất ít.
Theo giới chuyên gia, hiện tại giá BĐS ngược chiều so với nguồn cung, tiếp tục tăng kể cả khi đại dịch đã đi qua. Có vẻ như bức tranh thị trường BĐS đang ở hai mảng màu khác nhau, nếu không nói là có phần trái ngược. Trong khi giá cả tăng vọt thì cũng có nhiều nhà đầu tư dự án BĐS phải đối mặt với tình trạng "chôn vốn" vì ế hàng.
Trở lại với việc giá căn hộ bị đẩy lên cao, câu hỏi bao giờ người lao động mới mua được nhà dường như vẫn không có câu trả lời. Việc quá ít dự án nhà ở xã hội, cũng như nhà thương mại giá thấp càng làm cho điều đó khó khăn hơn. Đáng chú ý, nhiều chủ đầu tư lớn cho biết họ cũng không hào hứng với các dự án nhà ở xã hội, vì thủ tục để có được dự án khó khăn, kéo dài, thời cơ đi qua, vốn khó quay vòng. Mà “chôn vốn” trong bối cảnh hiện nay thì không doanh nghiệp BĐS nào muốn, vì bản thân họ đi vay ngân hàng cũng khó do chủ trương siết tín dụng BĐS ở lĩnh vực nhiều rủi ro.
Như vậy, nếu không có cách tháo gỡ kịp thời từ cơ quan quản lý nhà nước thì người lao động vẫn khó có “cửa” mua nhà.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) thì hiện tượng đầu tư 1 mà giá lại tăng 3 - 4 lần, điều này chắc chắn có sự bất hợp lý. Thị trường xuất hiện những tín hiệu bất thường như “bong bóng” cục bộ, giá đất nền tăng phi mã ở mức không bình thường trong khi có nhiều dự án mặc dù được quảng cáo nhiều với giá cao nhưng thanh khoản lại không tăng tương xứng. Hầu hết các phân khúc tại các địa phương đều liên tục tăng, có những khu vực còn xảy ra hiện tượng tăng “nóng", tuy nhiên đây chỉ là nhu cầu ảo. Bàn về giải pháp để ổn định thị trường BĐS, ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng “bong bóng” và “giá ảo”, ông Đính cho rằng cần tháo gỡ nút thắt về nguồn cung, không để nhiều dự án “đắp chiếu”, chờ các cơ quan quản lý phê duyệt. “Nếu những dự án này được tung ra thì thị trường sẽ không còn tình trạng khan hiếm sản phẩm, không còn lý do để tăng giá" - ông Đính nói.