Mặc dù đã có chính sách thúc đẩy sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường, song chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM vẫn tràn ngập loại túi khó phân hủy.
Túi nilon khó phân hủy ngập tràn chợ truyền thống
Bà Nguyễn Hoàng Quyên – tiểu thương bán cá chợ Tân Lập (TP Thủ Đức) cho hay: “Cứ một khách mua hàng tôi phải dùng đến 2 túi nilon. Nghĩa là ngoài túi đựng sản phẩm còn phải bọc thêm một túi nữa vì khách sợ mùi cá”. Bà Quên cho biết, do sử dụng lượng lớn túi nilon nên không chọn loại túi tự hủy. Túi nilon thường chỉ khoảng 30.000 đồng/kg còn túi tự hủy có giá gấp đôi nhưng số lượng không nhiều.
Còn theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - chủ hộ kinh doanh tại chợ Kim Biên (quận 5): “Túi nilon khó phân hủy, giá rẻ được bày bán khắp nơi với nhiều nguồn trôi nổi. Tôi mua mặt hàng này từ những người tiếp thị chỉ 25.000 đồng/kg”.
Đại diện Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) cũng khẳng định, túi nilon thông thường vẫn được kinh doanh đại trà, nhưng chưa có biện pháp để hạn chế. Đây chính là lý do tại sao chợ truyền thống tràn ngập loại túi nilon khó phân hủy.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường TPHCM thông tin, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với Công an quận 5 tiến hành kiểm tra đột xuất 2 điểm kinh doanh bao bì đựng thực phẩm các loại trên đường Trang Tử, phường 14, quận 5. Cụ thể, tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa do ông T.B.B. là người đại diện kinh doanh, đoàn kiểm tra phát hiện nơi đây đang chứa trữ, kinh doanh 600kg túi PP trong suốt dùng để đựng thực phẩm, chưa qua sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính số đối với ông T.B.B về hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định và hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đối với Điểm kinh doanh Công ty TNHH A.K, lực lượng chức năng phát hiện nơi đây đang chứa trữ, kinh doanh 530kg túi PE trong suốt dùng để đựng thực phẩm, chưa qua sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Cục Quản lý thị trường TPHCM đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH A.K về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa nêu trên.
Về túi nilon trôi nổi, không rõ nguồn gốc, ông Giang Văn Hiển – Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho rằng, hiện nay số cơ sở sản xuất túi nilon trên địa bàn thành phố rất ít nhưng mặt hàng này ở thành phố vẫn nhiều, chứng tỏ chưa được quản lý chặt chẽ. Ông Hiển khẳng định, sẽ tiếp tục chỉ đạo các Chi cục thuế, các phòng chức năng kiểm soát kỹ việc kê khai đối với túi nilon khó phân hủy. Theo quy định, túi nilon khó phân hủy phải chịu thuế 50.000 đồng/kg, bao bì thân thiện được miễn thuế.
Túi thân thiện môi trường gặp khó
Hiện chợ truyền thống là nơi chiếm hơn 60% lượng rác thải nhựa khó phân hủy của toàn thành phố. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) sản xuất bao bì theo hướng thân thiện với môi trường gặp không ít khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Túy Phượng – Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Sản xuất thương mại tổng hợp 2 chia sẻ, là một trong rất ít DN được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận xanh với túi nilon tự hủy. Tuy nhiên, đến thời điểm này các DN sản xuất xanh cùng ngành chỉ tiếp cận được một thị trường rất nhỏ. Khó nhất là thị trường chợ truyền thống vì nơi đây đang tiêu thụ khoảng 65% tổng sản lượng túi nilon khó phân hủy, trong khi giá túi lại khó cạnh tranh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết: “TPHCM là địa phương đi đầu trong tuyên truyền, vận động giảm sử dụng túi nilon, vật dụng nhựa dùng 1 lần, khuyến khích sản phẩm thân thiện môi trường. Năm 2006, thành phố thành lập quỹ tái chế nay gọi là Quỹ bảo vệ môi trường. Quỹ này hỗ trợ, cho vay ưu đãi các hoạt động thu gom, tái chế chất thải. Năm 2013, các mô hình thí điểm giảm túi nilon khó phân hủy cũng được triển khai ở quận Bình Thạnh, quận 5.
Năm 2014, TPHCM tiếp tục ban hành chỉ thị 23 về tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi nilon. Điều này chứng tỏ, thành phố có quyết tâm lớn trong việc kiểm soát môi trường từ việc sử dụng túi nilon khó phân hủy. TPHCM vẫn tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cũng theo bà Mỹ, đối với Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 đã có những chính sách hỗ trợ túi nilon thân thiện với môi trường. Túi nilon tự hủy được miễn thuế bảo vệ môi trường, còn túi nilon khó phân hủy đang phải chịu mức thuế khá cao, 50.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, thành phố còn có những chỉ tiêu bắt buộc hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cũng như trong các hoạt động của cơ sở công lập...
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho hay, năm 2022, các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại đã gần như chuyển sang túi thân thiện với môi trường. Chỉ còn hơn 0,17% không sử dụng do đựng hàng hóa đặc trưng. Sắp tới, Sở Công thương TPHCM sẽ phối hợp với các đơn vị đánh giá vì sao giải pháp đưa ra chưa thành công. Bở vì, đặt mục tiêu sử dụng túi nilon thân thiện môi trường tại các chợ truyền thống mới đạt 50% năm 2022, 65% năm 2023.