Vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%

Bảo Anh 11/02/2023 16:56

Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã được Chính phủ ban hành từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa dễ tiếp cận gói hỗ trợ này.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân hàng.

Đây là chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ phục hồi nhanh nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất này rất chậm. Qua khảo sát và báo cáo của các ngân hàng thương mại, vướng mắc lớn nhất khiến kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất còn thấp là do các doanh nghiệp e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ giảm lãi suất, phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán về sau. Trong khi đó, ngân hàng cần phải cân nhắc giữa lợi ích của việc được hỗ trợ 2% so với chi phí bỏ ra khi phải theo dõi hồ sơ, sổ sách và các quy định liên quan để phục vụ cho công tác kiểm tra, hậu kiểm.

Theo đại diện Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), có 2 khó khăn vướng mắc trong việc hỗ trợ lãi suất là tâm lý e ngại của bản thân khách hàng. Theo quy định thì khách hàng phải có khả năng trả nợ và khả năng phục hồi. Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho rằng, cả ngân hàng và DN đều khá e ngại về những vướng mắc pháp lý khi tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Đáng chú ý, khảo sát thực tế từ khách hàng thì bản thân DN cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi”. Vì trong bối cảnh hiện nay tiêu chí này là rất khó đánh giá, trong khi kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các loại nguyên liệu đầu vào, áp lực lạm phát…

Nói như ông Ngô Bảo Thiên - Phó Giám đốc Công ty Vận tải du lịch và dịch vụ Long Hiền thì DN đã từng kỳ vọng gói cho vay lãi suất ưu đãi 2% của Chính phủ. Thế nhưng, nguồn thông tin về gói hỗ trợ lãi suất này cứ xa dần. DN mang hồ sơ đi hỏi thì phía ngân hàng trả lời rất khó khăn vì có nhiều chính sách thắt chặt.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, tại Tờ trình số 151 về việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước nêu rõ, từ khi ban hành chính sách, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương. Tuy nhiên kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng là do một số vướng mắc. Số liệu tập hợp từ các ngân hàng thương mại cho thấy, trong số khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất, có khoảng 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu.

Theo giới chuyên gia, “không có nhu cầu” được hỗ trợ lãi suất 2% cần được hiểu là do những điều kiện khắt khe, khiến DN nản lòng. Chính ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, việc gỡ vướng để giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% là rất cần thiết. Cùng đó là mở rộng đối tượng, những lĩnh vực mà có thể hỗ trợ, trong đó có người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá phù hợp, các DN kinh doanh thương mại thu mua, tạm trữ lương thực, nông, lâm, thuỷ sản, kinh doanh xăng dầu…

Tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ 2% từ ngân hàng khó khăn trong khi rất cần vốn để hồi phục, đầu tư phát triển, không ít DN cho biết đã phải vay “ngoài” với lãi suất cao. Tuy vậy, DN vẫn kỳ vọng những chính sách tài chính từ phía nhà nước, đặc biệt trong năm 2023 được dự báo nhiều thách thức. Nhiều DN mong muốn nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đồng thời, có chính sách hạ lãi suất tiền vay để hỗ trợ DN bị thiếu hụt đơn hàng, phải cho công nhân làm việc luân phiên…

Bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tân Việt Hưng Thủ đô cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn, trong khi muốn phát triển hoặc mở rộng hoạt động thì phải dựa vào nguồn vốn tăng cường. Từ đó, bà Hiền mong muốn có được những cơ chế chính sách phù hợp, để tạo điều kiện cho DN bứt phá. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến, đối với DN để phát triển bền vững thì yếu tố quan trọng nhất là hiệu quả của chính sách tầm vĩ mô; nguồn nhân lực, cũng như nguồn lực tài chính. Khi đó DN mới có thể tập trung vào phát triển nội lực của mình.

Về gói hỗ trợ lãi suất 2%, cần tháo gỡ ách tắc về các thủ tục, điều kiện thì DN mới có thể tiếp cận, nhất là DN nhỏ và vừa khi mà họ rất khát vốn.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng minh bạch các quy định, quy chế trong cho vay hỗ trợ lãi suất chính là tạo điều kiện tối đa giúp DN sớm tiếp cận được các khoản vay ưu đãi từ Chính phủ. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số nội dung như: sớm ban hành quy định về nguyên tắc hoạt động kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước và Tổ công tác liên ngành để tránh sự chồng chéo, trùng lặp với các hoạt động thanh tra, kiểm tra khác, hạn chế tối đa chi phí thời gian cho khách hàng. Cần có phương án riêng đối với hộ kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án riêng đối với các hộ kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp được phép tiếp cận hỗ trợ lãi suất mà không cần có đăng ký kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%