Nhờ chuyển đổi sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, nhiều làng nghề đã trở thành kiểu mẫu, đời sống của người dân được nâng lên. Tuy nhiên việc triển khai phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, phát triển xanh, bền vững vẫn gặp không ít thách thức.
Đổi thay nhờ “xanh hóa”
Nhờ nỗ lực chuyển đổi, phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đã thực sự khoác lên mình “chiếc áo mới”. Người dân nơi đây vẫn thường bảo nhau, giờ Bát Tràng đã khoác lên mình chiếc “áo xanh” chứ không phải “áo ấm” quanh năm vì khói bụi và ô nhiễm do nung gốm bằng than củi.
Theo ông Phạm Huy Khôi - Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, khi chưa chuyển đổi phương thức sản xuất, trung bình một tháng mỗi một hộ dân sử dụng từ 7 - 8 tấn than trong khi toàn xã có tới gần 300 hộ. Công nghệ đốt truyền thống không chỉ gây ô nhiễm khói bụi mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, cảnh quan môi trường xung quanh khi mỗi ngày lượng chất thải rắn từ sỉ than thả ra ra từ 2 đến 2,5 tấn.
“Chất thải rắn thải ra hàng ngày quá nhiều trong khi không có nơi tập kết để xử lý nên phần lớn người dân đổ ra đường, dùng để tôn nền đường, tôn nền nhà. Có giai đoạn nhiều người dân phải làm lại nhà vì mặt đường cao hơn nền nhà tới 1m” - ông Khôi chia sẻ.
Vẫn theo ông Khôi, trước thực tế này được sự hỗ trợ từ dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” cũng như chủ trương của thành phố Hà Nội, Bát Tràng đã chuyển đổi công nghệ nung gốm từ các lò than truyền thống sang lò gas hiện đại. Đến nay 100% các hộ sản xuất gốm sứ chuyển sang sử dụng công nghệ lò gas cải tiến đã giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường của công nghệ sản xuất trước kia, giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động trong và ngoài địa phương. Doanh thu của xã Bát Tràng tăng gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ, thu nhập trung bình của người dân hiện đạt 86,5 triệu đồng/năm. Nhờ phát triển làng nghề gắn với bền vững, Bát Tràng đã hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nâng cao từ năm 2020 và dự kiến cuối năm 2023 sẽ hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu”- ông Khôi thông tin.
Cũng như Bát Tràng, thông qua áp dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, thân thiện với môi trường, các cơ sở sản xuất tại làng nghề bún Phú Đô (phường Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã hóa giải được vấn nạn ô nhiễm môi trường, tăng năng suất.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống bún Phú Đô Nguyễn Văn Họa cho biết, trước đây nước thải và các loại chất thải của làng nghề chủ yếu xả trực tiếp ra kênh dẫn chảy ra sông Nhuệ. Không khí làng nghề lúc nào cũng ô nhiễm. Đó là chưa kể đường sá, làng nghề nhem nhuốc vì phơi than. Nếu trước đây đốt lò bằng than, sản lượng mỗi hộ chỉ đạt 1-2tạ/ngày, nhưng bây giờ sản lượng đã đạt 1,5-2 tấn/ngày có cơ sở đạt 3 tấn/ngày nhờ thay thế bằng năng lượng điện.
Hiệu quả từ việc sử dụng nhiên liệu thay thế cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển bền vững làng nghề đã được minh chứng. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi cũng còn nhiều rào cản đối với các cơ sở, như điều kiện mặt bằng sản xuất, trình độ kỹ thuật, nguồn vốn…
Hỗ trợ nguồn vốn cho các làng nghề
Thực tế cho thấy công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức, rất ít làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn, nước thải. Theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020, mới có 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường; tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp chỉ đạt 20,9%... Đáng lo ngại, nước thải từ làng nghề thường thải trực tiếp ra hệ thống kênh, rạch chung, tác động xấu tới cảnh quan và nhất là gây ô nhiễm môi trường. Nhiều làng nghề có lưu lượng nước thải lớn, xả ra các kênh, mương vốn làm nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa, dẫn đến nước thải không lưu thông, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đây là nguyên nhân nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường tại các làng nghề.
Đề cập giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề, các chuyên gia cho rằng cần thiết quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường bao gồm các nội dung: Quy hoạch lồng ghép hoạt động du lịch với sản xuất nghề; quy hoạch tập trung theo mô hình các khu công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, quy hoạch phân tán tại từng cơ sở. Nội dung quy hoạch cần bao gồm quy hoạch lại không gian sản xuất, quy hoạch và xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Cùng với đó, xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ tại các làng nghề như giảm thuế, phí đối với cơ sở thực hiện tốt bảo vệ môi trường và các cơ sở có đầu tư bảo vệ môi trường hay hỗ trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường thông qua việc lập quỹ bảo vệ môi trường.
Theo TS Lê Quang Thắng - Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và kinh tế hội nhập, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, để thu hút người dân, doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất hướng đến xanh hóa, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi như: thiết lập mức giá khuyến khích cho các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, giảm giá cho các thiết bị và hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Cùng với đó, có thể đưa ra quy định và tiêu chuẩn để đảm bảo rằng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đáp ứng yêu cầu về hiệu quả năng lượng và bảo vệ môi trường. Đồng thời, đưa ra các chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm như giảm thuế, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm.