Số doanh nghiệp nợ tiền BHXH lên đến tiền tỷ ngày càng có xu hướng gia tăng đáng báo động.
Gần đây, do tác động của dịch Covid-19, việc xử lý những vi phạm về chính sách BHXH ngày càng khó khăn, phức tạp hơn.
Gia tăng nợ đọng BHXH kéo dài
Theo BHXH Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đơn vị, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh… dẫn đến tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT vẫn tiếp tục diễn ra trên cả nước. Tính đến hết tháng 7/2020, tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) khoảng 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% số phải thu. Đáng lo ngại số doanh nghiệp nợ tiền BHXH lên đến tiền tỷ ngày càng có xu hướng gia tăng đáng báo động.
Như BHXH TP Hà Nội cho biết, tính đến tháng 8/2020, trên địa bàn thành phố có 500 đơn vị nợ đóng BHXH với số tiền gần 202 tỷ đồng. Cụ thể, 500 đơn vị sử dụng lao động này đã nợ đọng BHXH từ 6 - 24 tháng tính đến ngày 31/7/2020.
Tại Thanh Hóa, có 578 đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN), với tổng số dư nợ lên tới gần 209 tỷ đồng.
Tương tự tại tỉnh Đồng Nai, tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN có chiều hướng gia tăng, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 732,4 tỷ đồng. Có 281 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền 273,4 tỷ đồng; trong đó, nợ BHXH gần 200 tỷ đồng; nợ BHYT 13,8 tỷ đồng; nợ BHTN 6,4 tỷ đồng; nợ BHTNLĐ và BNN 1,7 tỷ đồng. Tại Bình Dương, số nợ BHXH lên tới gần 630 tỷ đồng; trong đó 176 đơn vị nợ 12 tháng trở lên.
Phản ánh từ BHXH các địa phương cho thấy, nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là do tính tuân thủ pháp luật của nhiều DN sử dụng lao động chưa tốt, nhất là ở nhóm DN vừa và nhỏ. Cá biệt có những DN cố tình tìm lý do đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của NLĐ để sử dụng vào mục đích khác.
“Những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Hà Nội đã phải tạm dừng thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp. Công tác đôn đốc thu nợ chủ yếu bằng hình thức gián tiếp như: Gọi điện thoại, gửi văn bản đôn đốc, gửi thư điện tử (email)... Tuy nhiên, tình trạng nợ BHXH trong những tháng đầu năm tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân do dịch Covid-19 làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không cân đối được nguồn tiền để đóng BHXH cho người lao động. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp đơn vị, doanh nghiệp tuy không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng lấy cớ dịch bệnh cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng BHXH không đúng mức quy định” – đại diện BHXH Hà Nội cho biết.
Cần sự phối hợp giữa các bên
Trước thực trạng trên, ngay từ đầu năm 2020, BHXH Việt Nam đã tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý với những hành vi cố tình trốn đóng BHXH cho người lao động. Tính đến tháng 7/2020, ngành BHXH cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại gần 3.500 đơn vị, doanh nghiệp phát hiện hơn 3.600 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHTN, BHYT nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 31,534 tỷ đồng; hơn 11.000 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 53,806 tỷ đồng.
“Từ nay đến cuối năm, sẽ triển khai thanh tra đột xuất đối với các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHTN, BHYT; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 tiếp tục được xét duyệt hồ sơ tạm dừng đóng BHXH đến hết năm 2020”, ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam cho biết.
Cũng theo ông Hùng khi doanh nghiệp nộp hồ sơ lên, không chỉ cơ quan BHXH, nếu thấy có vấn đề nghi vấn thì kể cả các cơ quan hữu quan như Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xác nhận tình trạng của doanh nghiệp để doanh nghiệp có tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất hay không và thời gian tạm dừng đóng là bao nhiêu cho sát thực tế. Ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh, chúng tôi cũng yêu cầu BHXH các địa phương xuống các doanh nghiệp đó để kiểm tra, nắm được thực trạng của doanh nghiệp xem họ khai báo có đúng không, đảm bảo rằng cơ quan BHXH giải quyết đúng theo thực trạng của doanh nghiệp. Với những giải pháp này theo nhận định sẽ góp phần hạn chế được những hành vi vi phạm về chính sách BHXH. Tuy nhiên theo các chuyên gia bên cạnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương đặc biệt cần vào cuộc mạnh mẽ của tổ chức Công đoàn, Tòa án…kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm có như vậy mới hạn chế được thực trạng trục lợi chính sách BHXH đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.