Văn hóa

Vẫn là câu chuyện bản quyền

V.Hà 28/05/2025 06:59

Vừa qua, Tổ chức World Press Photo (Giải Ảnh báo chí thế giới) thông báo tạm dừng việc ghi nhận Nick Út là tác giả của “Em bé Napalm” - bức ảnh giành giải thưởng Pulitzer và giải Ảnh của năm vào năm 1973; đồng thời được nhận định là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của thế kỷ 20.

Thông báo được đưa ra sau khi xuất hiện nhiều tranh cãi về tác giả thực sự của bức ảnh này. World Press Photo gửi kèm theo đó những bằng chứng về mặt hình ảnh và kỹ thuật nghiêng về giả thuyết mới cho rằng nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ mới thực sự là người chụp bức hình này.

Sự việc này ngay lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông trong và ngoài nước cùng giới nhiếp ảnh gia. Tác giả bức ảnh - ông Nick Út vốn là nhiếp ảnh gia của hãng tin AP, hiện đã nghỉ hưu nhiều lần khẳng định ông chính là người chụp bức “Em bé Napalm”, đồng thời cho rằng toàn bộ sự việc này gây ra rất nhiều đau đớn và khó khăn với ông. Rất nhiều bạn bè trong và ngoài nước đã lên tiếng ủng hộ Nick Út. Bà Phan Thị Kim Phúc - nhân vật trong ảnh "Em bé Napalm" cũng khẳng định ông Nick Út là người chụp bức ảnh.

Sự việc đến nay chưa ngã ngũ, việc phân định đúng sai sẽ thuộc về các bên liên quan và cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng qua đó một lần nữa cho thấy vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và và sáng tạo nghệ thuật luôn là chủ đề được mọi người quan tâm.

Bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ cho tác phẩm, dù giá trị lớn hay giá trị nhỏ, dù là một bài viết, một bản nhạc hay một bức tranh…cũng là kết quả của công sức, thời gian, trí tuệ và cảm xúc của mỗi người. Vì vậy, khi bị sao chép, sử dụng trái phép mà không ghi nhận tác giả, người sáng tạo khiến họ không chỉ mất quyền lợi vật chất mà còn bị xâm phạm lòng tự trọng và danh tiếng nghề nghiệp.

Thế nhưng, tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến và ngày càng tinh vi, nhức nhối hơn trong thời công nghệ 4.0. Nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, hội họa, thiết kế thời trang... rất dễ bị sao chép, phát tán và sử dụng trái phép.

Đặc biệt, thời gian qua rộ lên trào lưu review những bộ phim hay. Thế là nhiều người ngang nhiên cắt ghép hình ảnh, tóm tắt nội dung hay tiết lộ những tình tiết quan trọng trong phim... để câu view. Đây chính là hành vi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất.

Để bảo vệ cho tác phẩm của mình, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thời gian qua một số nghệ sĩ, nhà sản xuất nội dung đã chủ động đăng ký quyền tác giả và đấu tranh mạnh với hành vi vi phạm bản quyền. Trên một số nền tảng lớn cũng đã có những công cụ báo cáo vi phạm và hỗ trợ bảo vệ bản quyền nhằm tạo một môi trường an toàn, công bằng cho các tác giả và tác phẩm của họ.

Đó là sự chuyên nghiệp, cũng là việc làm vô cùng cần thiết để mỗi tác giả tự bảo vệ thành quả sáng tạo và danh dự của mình. Và điều đó cũng gửi đi thông điệp cho mọi người, rằng tôn trọng bản quyền chính là tôn trọng người làm nghề, tôn trọng tri thức và sự công bằng trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn là câu chuyện bản quyền