Cạn kiệt nguồn viện trợ quốc tế được cho là nguyên nhân của vấn nạn bán con ở Afghanistan. Phương Tây nhắm sự trừng phạt vào Taliban, nhưng tổn thương chỉ có thể là những người nghèo, đặc biệt là những bé gái được sinh ra ở thời điêm đất nước thiếu bình đẳng nam nữ nghiêm trọng.
Thất nghiệp đồng nghĩa với lấy chồng
Ông Heather Barr, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Khi một cô gái còn được đi học, có nghĩa là gia đình cô ấy đã đầu tư cho tương lai của cô ấy. Ngay khi một cô gái thất học, thì nhiều khả năng cô ấy sẽ phải kết hôn. Và một khi một cô gái bị bán làm dâu, cơ hội tiếp tục đi học hoặc theo đuổi con đường sự nghiệp sẽ gần như bằng không. Thay vào đó, cô ấy phải đối mặt với một tương lai đen tối hơn nhiều”.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), gần 10% trẻ em gái Afghanistan từ 15 đến 19 tuổi không được tiếp cận với các biện pháp tránh thai hoặc dịch vụ sức khỏe sinh sản mỗi năm.
Nhiều người còn quá trẻ để có thể đồng ý quan hệ tình dục và đối mặt với các biến chứng khi sinh con do cơ thể còn chưa phát triển hoàn thiện. Theo UNFPA, tỷ lệ tử vong do mang thai ở trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi cao hơn gấp đôi tỷ lệ ở phụ nữ từ 20 đến 24 tuổi.
Magul, một cô bé 10 tuổi ở tỉnh Ghor lân cận, khóc mỗi ngày khi chuẩn bị bị bán cho một người đàn ông 70 tuổi để giải quyết các khoản nợ của gia đình.
Cha mẹ cô bé đã vay 200.000 Afghanistan (2.200 USD) từ một người hàng xóm, nhưng không có việc làm, không còn tiền tiết kiệm, họ không có cách nào trả nợ.
Chủ nợ đã kéo cha của Magul, ông Ibrahim, đến một nhà tù của Taliban và đe dọa sẽ bỏ tù nếu ông không trả được nợ. Ibrahim cho biết, anh đã hứa với chủ nợ rằng, anh sẽ trả sau một tháng, nhưng giờ đã hết thời gian.
"Tôi không biết phải làm gì", Ibrahim nói. "Ngay cả khi tôi không chủ động trao những đứa con gái của tôi cho ông ta, ông ta cũng sẽ bắt chúng đi”.
Bà Gul Afroz, mẹ của Magul, cũng cảm thấy bất lực: "Tôi chỉ biết cầu nguyện để những ngày tồi tệ này trôi qua".
Giống như Qorban, người mua khẳng định ông ta sẽ không ngược đãi Magul và cô bé sẽ chỉ giúp gia đình ông ta nấu ăn và dọn dẹp. Nhưng những lời cam đoan này có vẻ không phù hợp với những lời đe dọa của ông ta đối với gia đình Magul.
"Cháu thực sự không muốn đi cùng ông ta. Nếu họ bắt cháu đi, cháu sẽ tự sát", Magul vừa khóc nức nở vừa nói. “Cháu không muốn rời xa cha mẹ mình".
Một hoàn cảnh tương tự cũng xảy ta đối với một gia đình gồm 9 thành viên ở tỉnh Ghor, họ đang rao bán hai cô con gái 4 tuổi và 9 tuổi của mình. Người cha không có việc làm, giống như hầu hết những người trong trại di cư, nhưng anh ấy còn phải đối mặt với tình trạng khó khăn hơn khi bị tàn tật.
Anh ta chuẩn bị bán các con gái của mình với giá 100.000 Afghanistan (khoảng 1.100 USD) mỗi người. Zaiton, 4 tuổi, cô bé có tóc mái ngố và đôi mắt nâu to tròn, nhưng đã tỏ ra khá hiểu chuyện, em biết lý do tại sao điều này lại xảy ra: "Nhà cháu nghèo và chúng cháu không có thực phẩm để ăn”.
Bà Rokhshana, bà ngoại của Zaiton, thì trở nên quẫn trí: "Nếu chúng tôi có thức ăn và có ai đó giúp chúng tôi, chúng tôi sẽ không bao giờ làm điều này", bà Rokhshana nói trong nước mắt. "Chúng tôi không còn bất kỳ sự lựa chọn nào".
Tuột khỏi tầm tay cha mẹ
Trong khi đó, các thủ lĩnh địa phương của Taliban ở Badghis nói rằng, họ có kế hoạch phân phát thực phẩm để ngăn các gia đình bán con gái của họ. Mawlawai Jalaludin, người phát ngôn của Bộ Tư pháp Taliban, cho biết: “Một khi chúng tôi thực hiện kế hoạch này, nếu họ tiếp tục bán con mình, chúng tôi sẽ tống họ vào tù”.
Nhưng vấn đề không chỉ ở riêng Badghis. Khi mùa đông đến gần, cả Taliban và các nhóm nhân đạo đều đang xin thêm viện trợ và hy vọng sự trợ giúp từ nước ngoài có thể ngăn chặn sự gia tăng các cuộc tảo hôn.
Việc Taliban nhanh chóng tiếp quản Afghanistan khi Mỹ và các đồng minh rút lui đã khiến cộng đồng quốc tế ngừng hỗ trợ kinh tế cho nước này - khoản tiền quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế và các dịch vụ quan trọng của đất nước.
Các quốc gia và các tổ chức đa phương đã miễn cưỡng gia hạn các cam kết vì lo ngại làm như vậy có vẻ sẽ đồng nghĩa với việc công nhận lực lượng Taliban với tư cách là nhà lãnh đạo của Afghanistan.
Trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước gần như sụp đổ, vào tháng 9, các nhà tài trợ của Liên hợp quốc đã cam kết viện trợ nhân đạo hơn 1 tỷ USD, trong đó 606 triệu USD sẽ đáp ứng nhu cầu cấp bách nhất của người Afghanistan. Nhưng chỉ chưa đến một nửa số tiền đã cam kết đó được chuyển tới Afghanistan khi một số quốc gia thành viên vẫn chưa “rút hầu bao”, theo người phát ngôn của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (UNOCHA).
Một số gia đình và các chuyên gia bày tỏ sự thất vọng trước tình trạng viện trợ "hẻo" trong thời khắc kinh hoàng của đất nước.
Bà Isabelle Moussard Carlsen, người đứng đầu văn phòng UNOCHA, nhấn mạnh, các nhân viên cứu trợ nhân đạo vẫn có mặt tại Afghanistan, cung cấp cứu trợ và hỗ trợ các bệnh viện, nhưng vậy là chưa đủ.
"Với việc không giải phóng các quỹ (phát triển) chính phủ mà Taliban đang nắm giữ, tổn thương chỉ có thể là những người nghèo, chính những cô gái trẻ này đang phải chịu đựng", bà Carlsen nói.
Cả ông Barr và bà Carlsen đều cảnh báo Afghanistan, nếu tình hình này kéo dài, sẽ có thêm nhiều gia đình phải đối mặt với cái đói và nhiều trẻ em gái bị bán.
Taliban cũng đã kêu gọi viện trợ bằng việc đề nghị các cơ quan viện trợ quay trở lại Afghanistan và giúp đỡ những người đang chết đói. "Tôi mong cộng đồng quốc tế và các tổ chức viện trợ khẩn cấp trước khi mùa đông đến, hãy đến giúp đỡ chúng tôi”, giám đốc một trại di cư nội bộ ở tỉnh Ghor cho biết.
Trở lại trại di cư ở tỉnh Badghis, anh Malik không nhận thức việc bán con gái có ý nghĩa như thế nào, hay hoàn cảnh nghiệt ngã có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai của gia đình anh.
Dù Qorban đã hứa sẽ sử dụng bé Parwana một người giúp việc chứ không phải một cô dâu, nhưng Malik biết, giờ đây anh đã không thể kiểm soát những gì sẽ xảy ra với cô bé.
"Ông già đó nói với tôi: “Tôi đã trả tiền cho cô gái. Việc tôi làm với cô bé không còn là việc của ông... Đó là việc của tôi””, Malik đau buồn nói.
Lời cảnh báo đáng ngại đang đè nặng lên anh Malik khi những ngày ảm đạm sắp tới. Cái lạnh đang len lỏi và tuyết đã bắt đầu phủ khắp các vùng của đất nước. Khi sử dụng hết khoản tiền bán Parwana, gia đình Malik sẽ trở lại vòng luẩn quẩn ban đầu. Anh ấy vẫn còn ba cô con gái và một cậu con trai cần được chu cấp.
“Chúng tôi không có tương lai, tương lai của chúng tôi đã bị phá hủy. Tôi sẽ phải bán một đứa con gái khác nếu tình hình tài chính không được cải thiện - có thể là đứa bé 2 tuổi", Malik chua chát.