Vấn nạn đốt rơm rạ ở Ấn Độ

Hà Anh 10/11/2023 07:28

Aashish Sharma thường xuyên đốt rơm rạ trong những ngày gần đây dù biết việc này làm ô nhiễm không khí khu vực lân cận và thủ đô New Delhi cách đó 3 giờ đi đường.

Không khí tại Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đạt mức ô nhiễm 320, gấp hơn 3-6 lần mức trung bình. Ảnh: AP.

Anh Sharma, sống tại một ngôi làng thuộc quận Karnal, bang Haryana của Ấn Độ - nơi nổi tiếng với nghề trồng lúa - nói: “Chúng tôi biết việc đốt gốc rạ có hại, đặc biệt đối với sức khỏe của mọi người. Nhưng giải pháp thay thế duy nhất là thuê máy móc dọn sạch cánh đồng, điều này sẽ khiến tôi mất khoảng 100 USD cho cánh đồng 1,62 ha của gia đình”.

Thêm vào đó, mất khoảng hai tuần chờ đợi mới đến lượt thuê máy dọn gốc rạ, còn bỏ ra gần 300.000 rupee (3.606 USD) mua máy là quá sức đối với những người nông dân trong làng. Đây cũng là thách thức đối với chính quyền khi cố gắng cải thiện chất lượng không khí ở miền bắc Ấn Độ vào mỗi mùa đông.

Hơn 85% gia đình nông dân Ấn Độ được phân loại là nông hộ quy mô nhỏ (giống như gia đình Sharma), nghĩa là họ sở hữu khoảng 1,62 ha đất hoặc ít hơn. Theo số liệu của chính phủ Ấn Độ, nông hộ quy mô nhỏ canh tác trên 47% diện tích cây trồng của đất nước.

Theo SAFAR, cơ quan giám sát chất lượng không khí của chính phủ, hoạt động đốt rơm rạ ở Punjab và Haryana thường gây ra 30% đến 40% lượng ô nhiễm từ tháng 10 đến tháng 11 ở Delhi. Theo ước tính của chính phủ, biện pháp phạt tiền phạt khiến việc đốt rơm rạ trong năm nay giảm 40% -50% so với một năm trước, nhưng nhiều nông dân tại 3 ngôi làng thuộc quận Karnal cho biết, họ sẽ không ngừng việc đốt rơm rạ.

Nông dân Dharamvir Singh nói: “Cho đến nay, làng tôi chưa ai bị phạt mặc dù đã đốt rất nhiều rơm rạ. Tôi đã dọn sạch 10 mẫu đất theo cách đó và sẽ làm tương tự đối với 10-15 mẫu đất riêng và đất thuê khác”.

Ông Ajay Singh Rana, quan chức quản lý trang trại bang Haryana - cho biết, số trang trại đốt gốc rạ ở Karnal giảm còn 96 trong năm nay so với 270 vào năm ngoái. Đã có 73 trường hợp phải nộp phạt vì đốt rơm rạ.

Cuối tuần qua, đã diễn ra ít nhất 10 vụ đốt rơm rạ ở các làng Samalkha, Barota và Budhanpur thuộc quận Karnal vào buổi tối muộn, thời điểm người ta khó nhìn thấy khói. Các dữ liệu cho thấy, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở quận Karnal ở mức 300 – mức rất kém - trong vài ngày qua.

Ngày 7/1, Tòa án tối cao Ấn Độ ra lệnh cho các bang xung quanh New Delhi có biện pháp ngăn chặn nông dân đốt chất thải.

Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Ấn Độ và nước láng giềng Pakistan khiến các trường học phải đóng cửa hàng loạt.

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ thông báo đóng cửa tất cả các trường học bắt đầu từ 9/11 đến 18/11. Đây là biện pháp mới nhất trong một loạt các biện pháp của chính phủ nhằm bảo vệ cư dân khỏi tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng.

Chỉ số chất lượng không khí ở New Delhi là trên 320, mức nguy hiểm, mặc dù không tệ như mức 400 đo được hồi đầu tuần.

Dữ liệu từ Ban Kiểm soát ô nhiễm trung ương Ấn Độ (CPCB) cho thấy, cư dân ở Delhi và khu vực lân cận ở các bang Haryana, Uttar Pradesh, Punjab đã phải chịu đựng bầu không khí ô nhiễm nhất thế giới trong tuần trước.

Delhi, thành phố với dân số hơn 20 triệu người, đã dừng các hoạt động xây dựng, áp đặt lệnh hạn chế sử dụng phương tiện từ tuần tới đồng thời bày tỏ ý muốn các nước láng giềng cùng kiểm soát việc đốt tàn dư cây trồng.

Ở thủ đô Lahore của Pakistan, chỉ số chất lượng không khí ở ở mức 432, tức là còn ô nhiễm hơn New Delhi, tiếp theo là thành phố cảng Karachi ở phía nam với mức 204. Khói bụi do ô nhiễm buộc chính quyền Pakistan phải đóng cửa trường học và chợ trong tuần này tại Punjab, tỉnh đông dân nhất nước với hơn 110 triệu người. Thủ đô Lahore trở thành một trong những thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới.

Ông Amir Mir, quan chức thông tin Punjab, cho biết: “Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, chính phủ đã quyết định đóng cửa các khu chợ tại các thành phố lớn của Punjab từ 9 đến 12/11 vì sương mù”.

Theo chỉ thị của chính quyền tỉnh, các trường học, văn phòng, nhà hàng và doanh nghiệp, ngoài các cơ sở ưu tiên như hiệu thuốc, bệnh viện và tòa án, đều sẽ đóng cửa để hạn chế người dân ra ngoài.

Sương mù dày đặc bao phủ Lahore trong tuần này làm giảm tầm nhìn và khiến người dân e ngại về vấn đề sức khỏe. Ông Mohammad Salahuddin, một công dân Lahore, cho biết: “Mọi người đều bị đau họng và các vấn đề về mắt, nói chung sức khỏe đều bị ảnh hưởng”.

Tốc độ công nghiệp hóa ngày càng tăng ở Nam Á trong những thập kỷ gần đây làm gia tăng các chất ô nhiễm thải ra từ các nhà máy, hoạt động xây dựng và phương tiện giao thông ở các khu vực đông dân cư. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn trong những tháng mùa thu và mùa đông mát mẻ, vì sự đảo ngược nhiệt độ ngăn lớp không khí ấm bốc hơi, giữ các chất ô nhiễm ở gần mặt đất hơn. Theo một báo cáo được công bố hồi tháng 8, ô nhiễm không khí gia tăng có thể làm mỗi người ở Nam Á giảm tuổi thọ hơn 5 năm.

Delhi, thành phố với dân số hơn 20 triệu người, đã dừng các hoạt động xây dựng, áp đặt lệnh hạn chế sử dụng phương tiện từ tuần tới đồng thời bày tỏ ý muốn các nước láng giềng cùng kiểm soát việc đốt tàn dư cây trồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vấn nạn đốt rơm rạ ở Ấn Độ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO