Lâu nay, lừa đảo, đòi nợ “khủng bố” qua tin nhắn và cuộc gọi đã trở thành vấn nạn xã hội. Dù có biện pháp xử lý nhưng các cuộc gọi lừa đảo vẫn có dấu hiệu gia tăng từ đầu năm tới nay. Gần đây nhất các đối tượng dùng chiêu thức “con cấp cứu, chuyển tiền gấp” đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành khiến phụ huynh lo lắng, có người đã mắc bẫy mất hàng trăm triệu đồng. Đáng lưu ý các cuộc gọi đều xuất phát từ sim rác. Vì sao thời gian qua các nhà mạng đã bị xử lý nhưng sim rác vẫn tràn lan. Làm gì để chặn đứng sim rác nhằm đảm bảo an toàn an ninh mạng là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay.
Dù các nhà mạng đã nộp phạt lên tới hàng tỷ đồng, nhưng vấn nạn sim rác vẫn chưa hết nóng khi các cuộc gọi lừa đảo có dấu hiệu gia tăng từ đầu năm tới nay.
Tiếp tay cho lừa đảo
Những ngày qua, một số phụ huynh tại Hà Nội hoảng hốt khi nhận được tin nhắn, gọi điện mạo danh giáo viên, nhân viên y tế yêu cầu chuyển tiền gấp cho con bị tai nạn nhập viện. Chị N.T.V., phụ huynh học sinh Trường THPT Đống Đa, quận Đống Đa kể lại, chiều 13/3, chị nhận được một cuộc gọi, từ đầu dây bên kia, một đối tượng cho hay con chị đã bị ngã ở trường bị hôn mê và phải phẫu thuật gấp. Rồi đối tượng yêu cầu chị chuyển 80 triệu đồng vào số tài khoản và ủy quyền để mổ. Đúng thời điểm đó chị đang nhắn tin hẹn giờ đón con vì con gái tan học sớm hơn mọi khi. “Đối tượng lừa đảo không từ một thủ đoạn nào, chúng có thể bịa đặt ra tình huống tồi tệ nhất khiến phụ huynh dễ mất bình tĩnh và sập bẫy”, chị V. bức xúc.
Còn chị C.T.H. đang có con đang theo học tại Trường THPT Phạm Hồng Thái, quận Ba Đình cho biết, thủ đoạn của những kẻ lừa đảo là thông tin học sinh bị tai nạn và phải cấp cứu tại bệnh viện. Đối tượng yêu cầu phải chuyển khoản tiền để làm các thủ tục điều trị. Tinh vi hơn, các đối tượng còn dàn dựng cả tiếng còi hú xe cấp cứu, tiếng y tá, bác sĩ để tạo dựng lòng tin. Cùng với các cuộc gọi, một phụ huynh có con học tại Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ cũng bị kẻ xấu mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhắn tin: Con gặp tai nạn đang ở Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, cần chuyển tiền ngay 30 triệu để nhập viện. May mắn phụ huynh này đã đủ bình tĩnh gọi cho cô chủ nhiệm để xác minh đây là tin nhắn giả mạo.
Tại TPHCM, sáng 6/3, phòng công tác xã hội của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp xúc 5 phụ huynh có con học cấp 2 ở nhiều trường trên địa bàn thành phố. Trong 5 phụ huynh đã có 2 người chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng với tổng số tiền là 250 triệu đồng.
Ngoài dùng sim rác trong sử dụng các chiêu thức lừa đảo, thì những cuộc gọi quấy rối người dân qua sim rác vẫn diễn ra thường xuyên. Như chị Trần Ngọc Anh (Thái Nguyên) cho biết: Cứ 8/10 lần nghe máy số lạ là tôi lại được người lạ chào mời vào tham gia sàn giao dịch chứng khoán, tiền ảo, bất động sản, đôi khi được nghe nhạc miễn phí rồi tài khoản bị trừ tiền…
Không những vậy sim rác còn lộng hành đến cả việc vu khống người và đòi nợ thuê. Anh Trần Văn Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tá hỏa vì bỗng dưng có số máy lạ gọi chửi bới, dọa dẫm vì nợ đến kỳ không trả. Anh hỏi lại đầu bên kia có nhầm máy không thì họ càng làm to chuyện. Đến khi anh đáp trả cứng rắn rằng sẽ báo công an thì đối tượng mới biết là nhầm người nên tắt máy. "Người không liên quan lại bị khủng bố tinh thần thì không thể chấp nhận được", anh Nam nói, và cho rằng việc sim rác hoành hành làm đảo lộn cuộc sống của người dân, đó là chưa đề cập tới việc đòi nợ thuê là bất hợp pháp, vi phạm pháp luật. Như vậy đã có đủ bằng chứng kết tội. Nếu các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt thì chắc chắn sẽ dẹp được.
Một lần nữa câu hỏi lại đặt ra, vì sao khi nghe số máy lạ, đầu dây bên kia lại thông thuộc thông tin cá nhân của số máy gọi đến như vậy... Chị Nguyễn Mỹ Hảo (quận Long Biên, Hà Nội) than thở: Tôi đến bệnh viện nhân viên y tế cũng bắt khai thông tin cá nhân, đến siêu thị muốn làm thẻ cũng phải cung cấp, rồi tất nhiên thông tin cá nhân của tôi cũng phải có đầy đủ thì mới được dùng mạng điện thoại di động… Rốt cuộc không biết đơn vị nào đã để lộ lọt thông tin cá nhân, để sim rác quấy rối chúng tôi bất kỳ giờ giấc nào trong ngày. Rồi đến chiêu thức lừa đảo con đang ở viện cấp cứu cần chuyển tiền ngay để nhập viện những ngày qua. Đối tượng cũng nắm rất rõ thông tin của học sinh học trường nào và tên chính xác của giáo viên, kể cả môn dạy…
Dễ dàng mua sim rác
Vào thời điểm này, chỉ cần bước vào một cửa hàng bán điện thoại hay những điểm có ghi bán sim ở phố Kim Mã, phố Đặng Tiến Đông (Hà Nội), từ 50.000 đồng khách hàng có ngay một chiếc sim được kích hoạt sẵn, hay còn gọi là sim không chính chủ, sim rác của các nhà mạng. Thậm chí, sim còn được khuyến mãi theo kiểu mua 2 cái được giảm 50.000 đồng, mua 3 cái được giảm 100.000 đồng…
Theo quy định từ năm 2017, thuê bao di động mới đều phải đăng ký thông tin, gồm giấy tờ tùy thân và ảnh chụp chân dung. Từ tháng 8/2022, thuê bao mới phải xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thế nhưng thực tế, người dùng vẫn dễ dàng mua sim đã kích hoạt sẵn bằng thông tin của người khác. Ngọc Anh - chủ một cửa hàng điện thoại tại Hà Nội cho biết sim đã kích hoạt là một trong những mặt hàng luôn được nhiều người tìm mua. Cửa hàng cũng dễ dàng nhập về bán từ chính những người tự xưng là nhân viên nhà mạng. Tại TPHCM, sim rác cũng được bán tràn lan. Ở nhiều cửa hàng tại các quận 3, quận 4, quận 7… khách hàng dễ dàng được giới thiệu nhiều loại sim đã kích hoạt sẵn của các nhà mạng khác nhau. Ngoài sim điện thoại nghe gọi thông thường thì cửa hàng còn bán rất nhiều loại sim dữ liệu (data) để kết nối internet. Giá cả cũng tùy thuộc vào dung lượng data mà khách hàng muốn mua và dao động từ 180.000 - 280.000 đồng.
Không chỉ ở các cửa hàng, ngồi ở nhà khách hàng cũng có thể mua được sim đã đăng ký rao bán công khai trên các mạng xã hội hay trang thương mại điện tử Shopee, Lazada hay TikTok.
Dù vậy nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt chưa nghiêm bởi số tiền quá nhỏ so với nguồn lợi nên sim rác vẫn còn “đất sống”.
Ông Võ Đỗ Thắng - Trung tâm an ninh mạng Athena cho rằng các nhà mạng đang kinh doanh nên bản thân họ sẽ không thể mạnh tay "chặt đứt" nguồn thu từ việc bán sim điện thoại. Số lượng gọi càng nhiều sẽ đóng góp doanh thu cho nhà mạng càng lớn.
Ông Thắng bày tỏ: Đã có nhiều quy định cũng như giải pháp công nghệ mà Bộ TTTT và nhà mạng đã công bố khi nhắc đến sim rác. Nhưng quan trọng nhất là vấn đề kiểm tra xử phạt đến mức độ nào. Cụ thể, theo Nghị định 49/2017, mức phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng trên mỗi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông khi có phát hiện hành vi bán, lưu thông sim được kích hoạt sẵn. "Mức xử phạt này theo tôi là còn thấp nếu so với số tiền họ thu được từ việc bán sim rác, nên chăng cần bổ sung các mức phạt. Ví dụ khi phát hiện sai phạm có lưu hành sim rác đến lần thứ ba trở lên thì không những điểm bán và nhà mạng bị phạt tiền mà còn phải bị cấm kinh doanh sim trong một khoảng thời gian 3 tháng. Như vậy thì các nhà mạng mới mạnh tay kiểm tra và giám sát chặt hơn các cửa hàng, đại lý kinh doanh để ngăn chặn nạn sim rác tràn lan hiện nay", ông Thắng nêu quan điểm.
Cần đình chỉ nhà mạng bán sim rác
Mới đây, Cục Viễn thông (Bộ TTTT) cho biết, sẽ phối hợp với các Sở TTTT tổ chức giám sát, kiểm tra việc phát triển thuê bao mới của các nhà mạng. Nếu vi phạm, nhà mạng có thể bị đình chỉ phát triển thuê bao mới. Đây là giải pháp mạnh tay của Bộ chủ quản nhằm tiến tới chuẩn hóa các thông tin thuê bao, giảm thiểu tình trạng sử dụng sim rác để thực hiện các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo bùng nổ trong thời gian qua. Cụ thể, Cục Viễn thông đề nghị các nhà mạng công bố, đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp danh sách các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp trực tiếp ủy quyền) theo từng tỉnh, thành phố.
Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông thông tin, các thuê bao di động bị sai thông tin cần chuẩn hóa trước ngày 31/3, thông tin chuẩn hóa phải trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu không chuẩn hóa, thuê bao di động sẽ bị khóa.
Việt Nam hiện có 127 triệu thuê bao di động, 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone chiếm 96% thị phần. Trong số này, hơn 3,5 triệu thông tin thuê bao chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư.
Theo ông Nhã, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao sẽ giúp hoạt động dịch vụ viễn thông lành mạnh, hiệu quả hơn, góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng sim điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định thực hiện hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hoá, trái với thuần phong mỹ tục.
Liên quan tới các hình thức ngăn chặn tin rác, trước đó tháng 3/2022, Bộ TTTT có quyết định 611 về việc kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin thuê bao không đúng quy định và sim sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các doanh nghiệp viễn thông và 39 điểm ủy quyền bị xử phạt tổng số tiền 3 tỷ đồng.
Tại phiên chất vấn trước Quốc hội tháng 11/2022, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ đang tập trung xử lý sim rác, nhằm ngăn chặn lừa đảo qua số điện thoại. Theo đó, có 3 giải pháp xử lý vấn nạn sim rác. Thứ nhất là đảm bảo toàn bộ thuê bao có thông tin. Tiếp đến, đảm bảo thông tin chính xác bằng việc đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cuối cùng là xử lý tình trạng sim không chính chủ. "Xử lý xong vấn đề này sẽ ngăn chặn đáng kể cuộc gọi rác, dùng số điện thoại để lừa đảo", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Còn tại hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết trong năm 2023 sẽ giải quyết triệt để sim rác.
PGS.TS Nguyễn Ái Việt - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội: Trách nhiệm thuộc về nhà mạng
Sim rác, cuộc gọi rác sở dĩ tồn tại dai dẳng bởi vì họ có động lực về kinh tế, nếu bị cắt những cuộc gọi rác, tin nhắn rác thì nhà mạng sẽ bị cắt một khoản doanh thu rất lớn. Trách nhiệm thuộc về nhà cung cấp dịch vụ mạng, họ có thể đặt những phần mềm, công cụ để lọc bớt các tin rác và cuộc gọi rác. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết sim rác, cuộc gọi rác. Các cuộc thanh kiểm tra vẫn thường xuyên diễn ra. Thế nhưng, nếu vẫn có sự tiếp tay từ các đại lý và sự thiếu quyết liệt của các nhà mạng thì cuộc chiến với sim rác còn chưa có hồi kết và những cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo vẫn còn tiếp tục quấy nhiễu người dân.
Ông Ngô Minh Hiếu - Chuyên gia an ninh mạng, Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam: Người dùng cần bảo mật thông tin cá nhân
Vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo do tin tặc có nhiều cách để thu thập thông tin cá nhân, vốn đang được rao bán tràn lan trên Dark Web. Bên cạnh đó ứng dụng nhắn tin Telegram cũng trở thành công cụ mới và được tin tặc sử dụng làm "chợ buôn dữ liệu". Thực tế "chợ đen" trên Telegram, các tài khoản ngân hàng có thể được rao bán đầy rẫy. Ngoài ra, các đường dây lừa đảo chuyên tìm đến những người nhẹ dạ như sinh viên, người già, để lấy thông tin, lập tài khoản ngân hàng để với mục đích lừa đảo... Với số điện thoại, kẻ gian thường sử dụng dịch vụ VOIP (cuộc gọi qua internet), hoặc sim rác để che giấu danh tính, vị trí. Sim rác là sim được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước và có thể sử dụng ngay sau khi mua mà không cần đăng ký với nhà mạng. Từ sim rác, kẻ xấu có thể gọi điện thoại, nhắn tin lừa đảo, cũng như tạo ra hàng loạt công cụ phục vụ lừa đảo như tài khoản trên phần mềm chat video call, tài khoản ví điện tử. Đây là công cụ quan trọng dẫn đến tình trạng lừa đảo tràn lan thời gian qua. Đặc thù của sim di động là vị trí thay đổi liên tục, dễ tiêu hủy sau một thời gian sử dụng, dẫn đến khó khăn để tìm thủ phạm. Chính vì vậy, người dùng cần bảo mật thông tin cá nhân tốt nhất có thể.