Vì chạy theo thành tích, thầy cô giáo tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã “khuyên” học sinh và phụ huynh cho con em nghỉ học, không thi tốt nghiệp vì... “học kém”.
Sau đó một số gia đình quyết tâm cho con em đi học lại, tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và 4 trong số nhiều học sinh “có đơn xin nghỉ học” đã đỗ tốt nghiệp. Thông tin này dù là tin mừng đối với các học sinh và phụ huynh, nhưng lại khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc, bởi suýt chút nữa chính các thầy cô đã làm lỡ dở cuộc đời học trò.
Khoảng tháng 4/2025, một số học sinh tại Trường THPT Cao Bá Quát (phường Tân An, tỉnh Đắk Lắk) được thầy cô giáo và Ban giám hiệu gọi lên gặp gỡ, vận động viết đơn xin “bảo lưu kết quả học tập” vì học lực yếu. Sau khi viết đơn xin “bảo lưu kết quả học tập”, phụ huynh của một trong số học sinh đó đã gửi tin nhắn cho giáo viên chủ nhiệm xin phép cho con đi học lại để thi tốt nghiệp. Thay vì đáp ứng nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh, giáo viên chủ nhiệm lại lạnh lùng trả lời không được vì... hiệu trưởng đã duyệt cho nghỉ học.
Tuy nhiên, sau đó có 4 học sinh được gia đình động viên nên vẫn quyết tâm ôn luyện và tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 và cả 4 em đã nhẹ nhàng vượt qua kỳ thi này. Khỏi nói tới sự vui mừng của học sinh và phụ huynh đến mức nào, song gia đình các em cũng không khỏi “ấm ức” vì thiếu chút nữa thì cuộc đời con em mình đã phải dang dở vì “lời khuyên” của chính những người “ươm mầm non cho đất nước”. Nếu như số học sinh này không đủ quyết tâm ôn luyện để tham gia kỳ thi, số phận các em sẽ ra sao đây?
Đáng tiếc, việc “nhắc nhở”, vận động học sinh THPT không tham gia kỳ thi tốt nghiệp, “khuyên nhủ” học sinh THCS có “học lực không tốt lắm” chuyển nguyện vọng đăng ký từ các trường THPT tốp trên xuống những trường THPT tốp dưới, lại không hề hiếm ở không ít trường học trên toàn quốc. Thoạt nghe, nhìn thì có vẻ như các thầy cô giáo đang rất thương yêu và quan tâm đến học sinh, chỉ vì sợ các em thi trượt sẽ bị sốc nên mới phân tích “điều hay, lẽ phải”. Thực chất, các thầy cô giáo đang sợ thành tích của lớp, của trường bị số học sinh này kéo tụt xuống nếu các em tham gia kỳ thi như nguyện vọng ban đầu.
Lâu nay, bệnh thành tích giáo dục vốn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội chưa thể giải quyết triệt để. Tại diễn đàn Quốc hội cũng đã có một số đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT về nguyên nhân và giải pháp triệt tiêu vấn nạn bệnh thành tích trong giáo dục, vậy nhưng trong suốt những năm qua thực trạng này chưa hề được cải thiện bao nhiêu. Ai cũng biết, đã gọi là bệnh thì đương nhiên khiến cơ thể xã hội nhức nhối, nhưng nếu bệnh ở trong lĩnh vực “trồng người” thì không chỉ gây “ngứa ngáy khó chịu”, mà rất có thể sẽ trở thành “thuốc độc”, làm hỏng đi cả một thế hệ mầm non tương lai của đất nước.
Vậy là, chỉ vì “cái tôi”, “cái ta” của một trường, một lớp, rộng hơn một chút là một địa phương, không ít cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục bất chấp đạo đức người làm thầy, không màng đến chất lượng giáo dục cũng như tương lai của học sinh, sẵn sàng làm những việc trái đạo, cốt sao để nâng cao uy tín cá nhân, tập thể, tránh ảnh hưởng tới sự “thăng quan, tiến chức” của bản thân. Người xưa nói “QUÂN, SƯ, PHỤ”, nghĩa là vai trò người thầy chỉ đứng sau vua, vậy mà một số giáo viên lại không hề nêu gương tốt, thậm chí còn “truyền” thói hư tật xấu cho học trò, thử hỏi hậu quả sẽ tai hại đến thế nào?
Vậy nên, đã đến lúc căn bệnh thành tích giáo dục tệ hại cần phải được loại bỏ triệt để, tránh làm hỏng những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Muốn vậy, ngoài việc các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, cần lắm sự tu dưỡng của mỗi cá nhân trong ngành giáo dục, cùng với đó là sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản quản lý nhà nước, để các thầy cô thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.